Thất thu mùa nước nổi

26/09/2016 | 08:12 GMT+7

Thời điểm này mọi năm, huyện Vị Thủy đã bước vào mùa nước nổi. Vậy mà năm nay, ruộng đồng cạn nước nên đã làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu nhập của nhiều nông hộ, bởi hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản gặp không ít bất lợi.

Anh Phạm Trường Nhân thường xuyên phải bơm nước bổ sung cho con mương đang thả nuôi cá của gia đình mình.

Mùa nước nổi về, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vị Thủy lại háo hức chuẩn bị phương tiện, ghe xuồng để giăng câu, thả lưới, đặt trúm. Tuy nhiên năm nay dọc theo các cánh đồng trong huyện nước rất cạn, thậm chí nhiều chỗ nước ít hơn cả thời điểm cách đây 2-3 tháng trước. Điều này đồng nghĩa với việc không thể mưu sinh bằng cách bắt cá tự nhiên ngoài đồng ruộng như trước đây nữa.

Anh Phạm Trường Nhân, ở ấp 4, xã Vĩnh Trung, than vãn: “Mọi năm, đầu mùa nước nổi, tôi đặt lợp, đẩy côn kiếm được khoảng 4-5kg cá/ngày. Nhất là vào khoảng tháng 9 âm lịch, có ngày bắt được 7-8kg, có khi cả chục ký cá đồng các loại không chừng. Cá lóc đồng 1kg thấp nhất cũng 45.000 đồng. Bây giờ không có miếng nước như vầy lấy gì mà đi đẩy côn ?”.

Chỉ ra cánh đồng trước nhà, ông Trần Văn Tuyết, ở xã Vĩnh Trung, buồn bã cho biết: “Mọi năm giờ này, bà con nào là đi đặt lợp, giăng câu, thả lưới; nào là đắp đập be bờ nuôi thủy sản nhộn nhịp thấy ham. Năm nay nước cạn đến nỗi thu hoạch lúa Thu đông xong, nông dân phải xử lý rơm bằng cách đốt bỏ thì lấy chỗ đâu cho cá nó sống”.

Là địa phương có thế mạnh về nuôi thủy sản sau cây lúa, nhất là tận dụng mùa nước nổi, nhiều hộ còn thả cá trên ruộng và nuôi vèo lưới cho nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình mình. Thế nhưng 2 năm nay, nước nổi về muộn và cạn, kéo theo nhiều hộ nuôi thủy sản tại huyện bị thất thu đáng kể.

Khi nước nổi gần về là anh Phạm Văn Thật, ở ấp 1, xã Vị Đông, lại thả trên dưới 3.000 con cá lóc trong vèo, qua đó kiếm được gần chục triệu đồng/vụ. Năm nay, anh cũng đã thả trên 2.000 con nhưng sau hơn 3 tháng nuôi, trọng lượng cá chỉ khoảng 250-300 gram/con, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ những năm trước đây. Anh Thật chia sẻ: “Nước năm nay cạn kiệt, kiếm mồi tự nhiên không đủ cung cấp cho cá nên phải mua thêm thức ăn công nghiệp. Hôm rồi nước cạn nên cá bị đẹn và sốt xuất huyết hao hụt nhiều. Coi như vụ cá này bị lỗ rồi”.

Ông Huỳnh Thành Hải, nông dân ở xã Vị Trung, cho biết: “Mọi năm, tranh thủ thời gian nhàn rỗi giăng câu, kiếm mồi cung cấp cho vèo cá lóc nên đỡ tốn chi phí nhiều lắm. Thế mà năm nay, tui thả 1.000 con cá lóc được một tháng mà hầu hết kích cỡ chỉ bằng ngón tay do thiếu mồi nghiêm trọng. Vì thế tôi quyết định thả tất cả xuống mương vườn hết rồi”.

Gắn bó với nghề nuôi cá ruộng hơn chục năm, với lợi nhuận gần 20 triệu đồng/vụ, nhưng năm nay ông Trần Văn Dững, ở xã Vị Trung, vẫn không khỏi nản lòng. Bởi 15 công ruộng của ông đến giờ vẫn cạn nước nên cá vèo trong ao từ hơn 2 tháng trước chỉ được thả lên ruộng chút ít và hao hụt khá nhiều. Ông Dững cho rằng: “Cá chỉ phát triển được trong thời điểm tháng 8, 9 và 10 âm lịch. Nếu nước kém như vầy hoài chắc là vụ này nghỉ nuôi cá ruộng luôn”.

Tranh thủ bơm thêm nước vào những con mương cặp nhà đang thả nuôi cá điêu hồng và cá chim trắng, anh Phạm Trường Nhân, ở xã Vĩnh Trung, cho biết thêm, những năm trước, nước nhiều còn phải bơm ra. Bây giờ cạn queo lại nắng nóng, thấy cá không lớn nổi. Điều này đồng nghĩa với sản lượng nuôi cá mùa nước nổi năm nay sẽ giảm mạnh, còn người dân lại vất vả tính kế sinh nhai.

Theo thống kê, hiện người dân huyện Vị Thủy đã thả nuôi được 245ha cá ruộng và 150 vèo cá các loại, giảm từ 15-20% so với năm 2015 và giảm khoảng phân nửa diện tích so với các năm trước.

 

Bải, ảnh: THU HIỀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>