Tín hiệu khả quan cho bài toán người di cư

23/09/2016 | 08:18 GMT+7

Hơn 300.000 người di cư từ châu Phi, Trung Đông vào châu Âu từ đầu năm đến nay, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015, là con số không lớn nhưng việc tiếp nhận thêm người di cư đã quá tải với các quốc gia trong liên minh châu Âu (EU).

Những người di cư trên chiếc thuyền cao su. Ảnh: AP

Làn sóng người di cư chủ yếu hiện nay đến từ các nước đang xảy ra xung đột tại khu vực Trung Đông và châu Phi như Syria, Libya, Iraq... Trong số hơn 300.000 người di cư vào châu Âu từ đầu năm đến nay đã có 3.211 người thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải, thấp hơn 15% so với tổng số người ghi nhận trong cả năm 2015 (3.771 người). Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã đưa ra cảnh báo năm 2016 có thể là năm “chết chóc” nhất trên biển Địa Trung Hải đối với người di cư và tị nạn dù số người tìm cách vào châu Âu qua vùng biển này đã giảm so với năm trước. UNHCR lo ngại số người di cư thiệt mạng hoặc mất tích có thể còn tăng khi còn hơn 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2016. Hy Lạp và Italia tiếp tục là hai “điểm đến” chính của người di cư vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, số người di cư vào Italia là hơn 130.000 người, giảm nhẹ so với con số 132.000 người cùng kỳ năm ngoái. Hy Lạp ghi nhận 165.750 người di cư tới nước này, giảm 57%.

Mặc dù người di cư tị nạn vào châu Âu giảm nhưng các nước trong khối đã thật sự quá tải khi tiếp nhận. Bởi lẽ liên tục những năm gần đây các quốc gia EU đã tiếp nhận mỗi năm hơn 300.000 người. Hệ lụy của việc tiếp nhận này đã dẫn đến tình trạng người di cư phải sống trong các trại tị nạn thiếu thốn mọi thứ từ lương thực, nước, chỗ ăn, ở, thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe… Từ đó, nhiều trẻ em không được học hành, tệ nạn xã hội liên tục diễn ra. Đáng quan ngại là kỳ thị chủng tộc thường xuyên diễn ra ở một số quốc gia làm cho người tị nạn đã khốn khó lại càng khổ cực hơn. Phát biểu mới đây, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: “Chính sách nhập cư của Mỹ là một mớ hỗn độn, một nỗi hổ thẹn. Ông cho rằng, Washington sẽ phải chứng kiến thêm nhiều vụ đánh bom trên khắp nước Mỹ. Bởi lẽ, chính phủ Mỹ đã quá yếu kém khi cho phép hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn người nhập cư vào Mỹ”. Trong khi số người tị nạn cũ chưa được giải quyết một cách thỏa đáng thì làn sóng người di cư mới tiếp tục gia tăng từng ngày làm cho nhiều quốc gia EU bị khủng hoảng. Tìm một giải pháp khả thi để giải quyết bài toán người tị nạn đang được các quốc gia EU quan tâm.

Tại Hội nghị cấp cao về khủng hoảng người tị nạn toàn cầu vừa diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo đã có 50 quốc gia cam kết tiếp nhận 360.000 người tị nạn trong năm nay, tăng gấp đôi so với con số của năm ngoái. Trong đó, Đức, Canada và một số quốc gia khác đã mở cửa đường biên giới để tiếp nhận những người dân vội chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh tại Syria và một số cuộc xung đột khác. Theo đó, hội nghị thống nhất đặt ra ba mục tiêu cụ thể, bao gồm thuyết phục cộng đồng quốc tế tăng 30% nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động nhân đạo trên thế giới, từ 10 tỉ USD trong năm 2015 lên 14,5 tỉ USD trong năm nay. Tăng gấp đôi số người được tái định cư và tìm kiếm những con đường hợp pháp mới để tiếp nhận người tị nạn, đồng thời tăng số quốc gia chấp nhận số lượng đáng kể người tị nạn. Tăng số người tị nạn được đến trường trên toàn cầu thêm 1 triệu người và số người tị nạn được phép đi làm cũng tăng thêm 1 triệu người. Các quốc gia được mời tham dự hội nghị là những nước được đánh giá là tạo điều kiện tiếp nhận tốt nhất cho người tị nạn, trong đó có Đức, Jordan, Mexico, Canada, Thụy Điển và Ethiopia. Riêng Mỹ cũng vừa công bố sẽ tiếp nhận 110.000 người nhập cư trên khắp thế giới vào Mỹ trong năm tài khóa 2017, tăng khoảng 25.000 người so với năm tài khóa 2016.

Trước thềm hội nghị, 51 tập đoàn và công ty lớn, trong đó có Facebook, Twitter, MasterCard, Johnson & Johnson, hãng sản xuất sữa chua Chobani đã cam kết sẽ tạo điều kiện tiếp cận giáo dục, việc làm và tài chính cho khoảng 6,3 triệu người tị nạn đang trú ngụ tại hơn 20 quốc gia.

Những cam kết trên nếu được thực thi đầy đủ sẽ mở ra cơ hội mới, tín hiệu khả quan cho những người tị nạn vào EU trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>