Hiệu quả từ việc trồng hoa sinh thái

23/09/2016 | 07:30 GMT+7

Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trồng hoa sinh thái trên tuyến đường Vị Thanh - Cần Thơ” do bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy làm chủ nhiệm bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhân rộng việc ứng dụng này sẽ tạo hướng mới trong việc phòng chống sâu bệnh, bảo vệ mùa màng.

Cán bộ và người dân huyện Vị Thủy cùng trồng và chăm sóc hoa sinh thái để góp phần phòng, chống sâu bệnh tấn công trên lúa.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vị Thủy (Phó Chủ nhiệm dự án), cho rằng: Ngày nay, xu thế phát triển nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc sản xuất ra sản phẩm sạch, mà còn thiết kế hệ thống ruộng lúa khoa học và đa dạng hóa về thực vật và động vật. Vì thế, mô hình trồng hoa sinh thái ven ruộng lúa được xem là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhằm giúp người dân tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần tăng thu nhập, gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Để áp dụng thực hiện dự án trên, vào khoảng năm 2013, các cán bộ kỹ thuật và người dân địa phương đã tiến hành trồng hoa sao nhái, xuyến chi, cúc… dọc tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) thuộc địa phận xã Vị Đông, Vị Thanh, Vị Bình, huyện Vị Thủy.

Theo ông Trần Văn Nhật, ở ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thì ông Nhật cũng biết nhiều. Nhưng áp dụng “Công nghệ sinh thái - trồng hoa sinh thái trên ruộng lúa” là ông mới thực hiện lần đầu tiên và hiệu quả mang lại bất ngờ. Minh chứng là vụ Đông xuân 2014-2015, hơn 10 công ruộng gieo sạ giống lúa OM 5451 của gia đình ông Nhật cho năng suất cao, khoảng 1,1 tấn lúa tươi/công, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

“Khi trồng hoa sao nhái ven bờ ruộng có tác dụng dẫn dụ thiên địch, phòng chống sâu, bệnh gây hại trên lúa. Công chăm sóc ruộng lúa nhẹ, nhất là cắt giảm chi phí phun thuốc trừ sâu hơn 100.000 đồng/công, so với lúc chưa trồng hoa. Ngoài ra, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa góp phần gìn giữ bảo vệ môi trường, đất, nước trong tự nhiên”, ông Nhật cho biết thêm.

Còn ông Nguyễn Thành Lợi, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, thông tin: Bên cạnh việc trồng hoa, người dân địa phương còn có thể tận dụng đất trống trồng thêm rau màu các loại như: dưa leo, khổ qua, cà phổi, bầu, bí đỏ và rau màu khác, một mặt dẫn dụ thiên địch để bảo vệ mùa màng, mặt khác tăng thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống gia đình. Mùa nước nổi năm 2014 đi qua, ông Lợi đã tiếp tục cải tạo hơn 500m2 đất trên bờ đê trồng bí đao, khổ qua kết hợp với làm ruộng. Với cách làm kinh tế nông nghiệp khoa học này, ông đã tận dụng dư lượng thuốc trừ sâu trên rau màu, góp phần phòng ngừa sâu, bệnh gây hại trên lúa. Kết quả, vụ lúa Đông xuân năm đó, ngoài việc thu lợi nhuận chính từ 8 công đất ruộng, ông còn kiếm thêm 6 triệu đồng từ việc trồng rau màu phục vụ bán tết cổ truyền dân tộc.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Vị Thủy (Chủ nhiệm dự án), đánh giá: Đơn vị thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trồng hoa sinh thái trên tuyến đường Vị Thanh - Cần Thơ” là dài hạn. Đồng thời, dự án này thuộc Chương trình “Công nghệ sinh thái” do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chuyển giao khoa học kỹ thuật và đã áp dụng thử nghiệm ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, An Giang, trong đó có Hậu Giang, đem lại hiệu quả cao. Theo đó, khi trồng hoa sinh thái giúp người dân sẽ hạ thấp giá thành sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo vệ sinh môi trường. Quan trọng là có thể kết hợp với việc áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm và GlobalGap” để nâng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Vì thế, trong năm 2016, đơn vị thực hiện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tham gia trồng và chăm sóc hoa tốt hơn. Ngoài ra, để làm gia tăng tính hiệu quả, đơn vị đã chủ động thay đổi và lựa chọn trồng hoa trâm ổi, huỳnh anh, hoàng yến với mục đích xua đuổi chuột, sâu, rầy tấn công trên ruộng lúa, góp phần giữ vững kinh tế cho người dân địa phương.

Trong năm 2016, đơn vị thực hiện dự án dự kiến trồng hơn 6.000 cây hoa trâm ổi, huỳnh anh, hoàng yến ở một số địa phương trong huyện Vị Thủy như: xã Vị Đông, Vị Thanh, Vị Bình - nơi có tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) đi qua.

 

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG   

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>