Triều Tiên “lờn thuốc” Liên Hiệp Quốc

30/08/2016 | 08:30 GMT+7

Mới đây, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) rơi xuống Vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản. Như vậy chưa đầy hai tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã có 4 vụ thử tên lửa vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Đáng lo ngại là những tiến bộ trong phát triển SLBM của Triều Tiên đã vượt xa so với dự tính của các nước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) thị sát buổi phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm SLBM. Nguồn: YONHAP/TTXVN

Viện nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) mới đây cho biết, Triều Tiên đã và đang đạt được tiến bộ trong việc phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), nhưng ít nhất phải tới năm 2018 mới có thể triển khai công nghệ vũ khí này. Mặc dù hệ thống vũ khí này chưa thể phát triển rộng rãi trong ngày một ngày hai nhưng quá trình tiến triển của Bình Nhưỡng nhanh hơn dự kiến ban đầu. Theo đó, cụ thể trong vụ phóng tên lửa SLBM vừa qua, Bình Nhưỡng đã sử dụng loại tàu ngầm lớp Sinpo có trọng tải 2.000 tấn, chỉ lắp được một tên lửa SLBM, nên giá trị chiến lược thấp. Tuy nhiên, theo Đài KBS, Triều Tiên đang đẩy nhanh các hoạt động phát triển tàu ngầm có trọng tải 3.000 tấn có thể lắp được tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Một tạp chí quân sự của Anh gần đây đã công bố kết quả phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang xây dựng một cơ sở đóng tàu ngầm mới gần cảng Sinpo thuộc tỉnh Nam Hamgyong của nước này. Cùng thời gian này, trang web chuyên về Triều Tiên mang tên “38 North” (Vĩ tuyến 38 độ Bắc) của Viện nghiên cứu Hàn-Mỹ trực thuộc Trường Đại học Johns Hopkins của Mỹ cũng đã đưa ra phân tích tương tự. Nhà nghiên cứu về Triều Tiên Joseph S.Bermudez của Mỹ nhận định rằng chính quyền Triều Tiên hiện đang phát triển một tàu ngầm lớn hơn, và chẳng bao lâu nữa sẽ sở hữu được một tàu ngầm kiểu mới phục vụ cho việc phóng tên lửa SLBM. Nếu điều này trở thành hiện thực thì nỗi lo về chiến tranh hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên có nhiều khả năng trở thành hiện thực.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới đây là “thành công vĩ đại nhất”. Theo đó, những kết quả của vụ phóng tên lửa trên chứng minh Triều Tiên đã gia nhập “Các cường quốc quân sự hàng đầu được trang bị đầy đủ năng lực tấn công hạt nhân”. Nói một cách khác, lục địa Mỹ cùng chiến trường tác chiến ở Thái Bình Dương hiện nay đã “nằm trong tầm tấn công” của quân đội Triều Tiên.

Trước những diễn biến trên, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ Triều Tiên về các vụ phóng thử tên lửa, đồng thời nhất trí sẽ có các biện pháp thỏa đáng nhằm vào Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an nhất trí tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình và hối thúc Triều Tiên kiềm chế các hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về hạt nhân. Tuyên bố của Hội đồng Bảo an nhận được sự tán thành từ toàn bộ 15 quốc gia thành viên bao gồm cả Trung Quốc. Được biết kể từ năm 2006 đến nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua 5 nghị quyết về trừng phạt Triều Tiên liên quan các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, gồm Nghị quyết 1718 (vào năm 2006), Nghị quyết 1874 (năm 2009), Nghị quyết 2087 (năm 2013), Nghị quyết 2094 (năm 2013) và Nghị quyết 2270 (năm 2016). Đặc biệt, Nghị quyết gần đây nhất được thông qua hồi tháng 3 vừa qua, áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất đối với Triều Tiên, bao gồm một lệnh cấm xuất khẩu và đóng băng tài sản.

Giới quan sát cho rằng, hiện quân đội Triều Tiên đã được đặt ở mức báo động cao nhất nhằm để đối phó với cuộc tập trận thường niên Hàn-Mỹ mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” khởi động từ ngày 22-8 mới đây. Quân đội và Nội các Triều Tiên cũng đang tiến hành các cuộc tập trận giả định tình hình thời chiến, trong đó có nội dung đánh chiếm các cứ điểm pháo binh ở tuyến đầu. Như vậy, Triều Tiên đã ngầm khởi động mọi thứ sẵn sàng cho chiến tranh. Việc này không chỉ thách thức Mỹ, Hàn Quốc mà còn cả Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trước các nghị quyết trừng phạt nhằm vào nước này. Giới phân tích cho rằng, Triều Tiên đã “lờn thuốc” của Liên Hiệp Quốc.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>