Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

26/08/2016 | 09:08 GMT+7

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát trong mùa mưa, cơ quan chức năng huyện Long Mỹ đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp ứng phó cần thiết.

Long Mỹ đang tập trung triển khai thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng.

Hiện ngành chức năng huyện đang tập trung vào công tác tiêm phòng, kiểm soát số lượng và dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là những đàn mới phát sinh và từ nơi khác chạy đồng đến địa bàn. Đến nay, ngành thú y huyện Long Mỹ đã phối hợp với các xã trên địa bàn tiến hành tiêm phòng được 49.000 con gia cầm theo định kỳ. Ngoài ra đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn vật nuôi cho người dân. Qua đó góp phần khống chế, không để bùng phát dịch cúm gia cầm tại địa phương.

Kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà, ông Phan Văn Đen, ở ấp 4, xã Thuận Hòa, luôn ý thức được công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng. Từ đó, gia đình ông luôn thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã thông qua việc tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ông Đen chia sẻ: “Sống bằng nghề nuôi gà thì ít nhất mình phải biết cách thức nuôi, phòng chống bệnh trên đàn gà. Đợt này tôi thả nuôi gần 500 con gà nồi. Cho nên khi kiểm tra phát hiện đàn gà có gì bất thường là tôi báo ngay với cán bộ thú y xã đến hỗ trợ, hướng dẫn cách giải quyết”. 

Để chủ động trong công tác phòng chống dịch trên đàn gia cầm, ngoài việc thường xuyên tiêm phòng theo định kỳ, ngành thú y còn rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ liều quy định. Gia đình bà Lê Thị Lẹ, ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, chỉ thả nuôi mỗi đợt khoảng 100 con gà, vịt để góp phần kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Mặc dù số lượng đàn ít nhưng không vì thế mà gia đình không chú ý đến công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Theo đó, mỗi lần tái đàn là bà đều liên hệ với cán bộ thú y xã đến hướng dẫn các biện pháp bảo vệ cần thiết.

Bà Lê Thị Lẹ cho biết: “Mình nuôi số lượng ít, nhưng để đảm bảo cho đàn vịt phát triển tốt, khi tái đàn thì phải trình báo đến cán bộ thú y cơ sở để họ đến tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao, tôi còn chú ý đến các yếu tố như chuồng trại phải được vệ sinh kỹ, đảm bảo lượng thức ăn, nước uống, chủ động tiêm các loại vắc-xin để phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình chăn nuôi”.

Còn ông Phạm Văn Chính, Phó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Long Mỹ, cho hay: Thời điểm này, ngành thú y huyện đang khẩn trương triển khai thực hiện tháng tiêu độc khử trùng. Đặc biệt là tổ chức ra quân phun tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các khu vực như lò giết mổ tập trung, các điểm chợ và tại hộ chăn nuôi trên địa bàn. Hóa chất phun xịt tại hộ là 20ml/lần phun và phun trong 4 tuần; riêng ở khu vực chợ là 100ml/lần và phun liên tục trong 30 ngày tại các quầy kệ, nơi bán gia súc, gia cầm. Ngoài ra, cán bộ thú y còn hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi cách vệ sinh chuồng trại nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. 

Do lúc này đã bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão nên ngành thú y huyện Long Mỹ đang tập trung rà soát nắm lại số đàn gia cầm mới phát sinh để thực hiện công tác tiêm phòng bổ sung, đồng thời kiểm soát chặt chẽ đàn vịt chạy đồng về địa phương. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm dịch động vật nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát trên địa bàn.

Toàn huyện Long Mỹ hiện có 8.378 hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó có 117.000 con gà và 284.000 con vịt được nuôi trong dân. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng huyện Long Mỹ phối hợp với các địa phương trong huyện tiến hành tiêm phòng được 49.000 con gia cầm theo định kỳ, số còn lại là đàn mới phát sinh và số lượng tiêm phòng hết hạn miễn dịch.

 

Bài, ảnh: MINH ĐƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>