Phát huy hiệu quả đồng vốn vay

26/08/2016 | 09:05 GMT+7

Trong những năm qua, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, các hội, đoàn thể đã tổ chức rà soát, giúp đỡ để người vay vốn sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Vương, ở khu vực Long Trị 2, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình.

Đến ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, gặp gia đình bà Võ Thị Hảo, hội viên phụ nữ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và nghe bà kể về hành trình thoát nghèo của gia đình mình. Theo chồng về ấp Xẻo Trâm từ năm 1997, được gia đình chồng cho hơn 3 công đất ruộng. Thời điểm đó, gia đình bà Hảo được xem là có điều kiện hơn rất nhiều gia đình khác ở vùng kinh tế mới này. Thế nhưng, Xẻo Trâm vốn là vùng đất phèn, lúa trồng thất bát. Vốn liếng dần cạn kiệt, con cái lại bắt đầu đến tuổi đi học, gia đình gặp khó khăn nhiều hơn. Thời điểm đó, ngoài việc trồng lúa, giăng lưới bắt cá thì vợ chồng bà Hảo cũng không biết làm gì thêm. Năm 2010, khi thấy gia đình bà khó khăn nhưng chí thú làm ăn, địa phương hỗ trợ vốn vay 7 triệu đồng. Từ đồng vốn đó bà Hảo bắt đầu nuôi thêm heo, cá. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, mô hình chăn nuôi của gia đình đã đem lại hiệu quả kinh tế, đến năm 2014, gia đình bà Hảo đăng ký thoát nghèo. Bà Hảo chia sẻ: “Mới đầu để được tiếp cận nguồn vốn vay, gia đình cũng phải định hướng mục đích và phương thức sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả thì địa phương mới tạo điều kiện cho vay. Vay vốn rồi, mấy chị bên hội phụ nữ cũng thường xuyên tới lui để coi mình làm ăn thế nào nữa. Nói chung, đã được xem xét vay vốn rồi thì gắng sức làm ăn cho phát triển rồi trả lại để người sau có nhu cầu còn vay nữa”.

Còn ông Nguyễn Văn Vương, ở khu vực Long Trị 2, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, phấn khởi khi nói về mô hình cam xoàn, bưởi da xanh của mình. Năm 1989, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia trở về, ông Vương lập gia đình và được gia đình hai bên cho gần 6 công đất vườn và 2 công đất ruộng. Là đất vườn nhưng bỏ hoang mấy chục năm không canh tác nên cây bình bát, đủng đỉnh, lau sậy, dây leo mọc um tùm. Muốn cải tạo vườn nhưng không có vốn, ông Vương trình bày nguyện vọng của mình đến Hội Cựu chiến binh thị trấn Trà Lồng (cũ). Nhận thấy nguyện vọng của ông Vương chính đáng, Hội Cựu chiến binh thị trấn Trà Lồng thống nhất và xem xét tạo điều kiện cho ông vay 15 triệu đồng. Với số tiền đó chỉ đủ để phát quang vườn và mướn người lên liếp, cải tạo đất. Sau khi cải tạo đất xong, hết vốn ông Vương chỉ xoay xở trồng lúa trên 2 công đất ruộng và trồng hoa màu để kiếm thu nhập. Năm  2011, trong một lần đi tham quan mô hình cam xoàn, bưởi da xanh của hội viên cựu chiến binh ở xã Thuận Hưng, ông Vương về xin vay thêm 10 triệu đồng để xây dựng mô hình cam xoàn và bưởi da xanh. Sau khi nhận đồng vốn vay ông trồng được 400 gốc cam xoàn và 100 gốc bưởi da xanh. Trong thời gian chăm sóc, chờ cây cho trái, ông bầu, chiết nhánh cây giống bán. Trong vòng 3 năm, ông Vương đã bán được trên 5.000 nhánh cây giống, bình quân sau khi chiết, mỗi nhánh cam xoàn bán với giá 15.000 đồng/nhánh; bưởi da xanh bán 22.000 đồng/nhánh. Năm nay, ông quyết định để cây ra trái, hiện tại, vườn cam xoàn và bưởi cho trái khá tốt. Ông Vương cho biết: “Theo kinh nghiệm nhiều người trồng cây có múi phải sau 3 năm mới cho trái nên năm nay tôi để trái cho cây. Nhiều người thắc mắc sao chiết cây bán, không sợ cây mất sức hay sao. Nhưng do mình học hỏi kinh nghiệm, biết cách chăm sóc hết rồi nên không sợ, hiện tại vườn cây đang cho trái tốt”.

Cho vay vốn phát triển kinh tế là điều kiện để người dân thoát nghèo, ổn định đời sống. Chính vì thế, việc định hướng người dân sử dụng đồng vốn vay hiệu quả là rất cần thiết. Thời gian qua, thông qua việc triển khai tín dụng chính sách ưu đãi đã làm thay đổi tư duy nhận thức làm kinh tế của rất nhiều người dân, đặc biệt là trong lực lượng hội viên các hội, đoàn thể. Tình trạng nợ quá hạn thông qua ủy thác của các tổ chức đoàn thể giảm đáng kể. Theo rà soát, tỷ lệ nợ quá hạn thông qua ủy thác của các cấp hội liên hiệp phụ nữ còn 0,45%; các cấp hội cựu chiến binh còn 0,51%. Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho biết: “Các cấp hội luôn chú trọng đến hoạt động ủy thác với ngân hàng CSXH, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các hộ sử dụng đúng mục đích, trả gốc, trả lãi đúng kỳ hạn và tham gia gửi tiết kiệm đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác luôn được quan tâm, qua đó, nguồn vốn vay ủy thác luôn đạt hiệu quả cao”.

Thời gian tới, để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân các tổ chức hội, đoàn thể và các ngành cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với ngân hàng CSXH tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho tổ viên và triển khai công tác kiện toàn, củng cố hoạt động tổ. Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, trang bị kiến thức, hướng dẫn người dân cách tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>