Thay đổi tư duy để thu hút đầu tư

26/08/2016 | 07:21 GMT+7

Nghị quyết Tỉnh ủy đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang sẽ trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ quyết tâm trên, tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt công tác cải thiện môi trường đầu tư, phát huy tiềm năng sẵn có để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút tối đa các nhà đầu tư về địa bàn.

Tỉnh đang tập trung khơi thông các chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp phát triển.

Nếu lấy năm 2015 làm mốc, có thể nói rằng công nghiệp của Hậu Giang chính thức hòa vào nhịp đập của cả vùng ĐBSCL. Điều dễ nhận thấy nhất chính là cơ cấu kinh tế với xu thế tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Chất và lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh

Rõ ràng, chính định hướng phát triển công nghiệp hợp lý đã mang đến nguồn sinh khí mới cho Hậu Giang khởi sắc. Cụ thể, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh trở thành nơi có sức hút đối với nhà đầu tư. Từ giữa năm 2015, Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang đã triển khai giai đoạn 1 dự án may công nghiệp. Đến cuối năm, công ty đã đưa 2 dây chuyền vào sản xuất, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động. Từ đầu năm 2016 đến nay, dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2, dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Đến nay, Ban Quản lý (BQL) các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập mới KCN Đông Phú (hiện là Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú). Đồng thời, đôn đốc các sở, ngành bố trí vốn xây dựng các công trình bức xúc tại các KCN của tỉnh, kịp thời phục vụ cho các nhà đầu tư hiện hữu, cũng như công tác kêu gọi đầu tư vào các KCN. Chẳng hạn như công trình đường số 4A tại KCN Sông Hậu, đường số 4 và một phần đường số 8, đường số 6 tại KCN Tân Phú Thạnh, hay các trạm xử lý nước thải tập trung, khu tái định cư… cho các KCN trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó BQL các KCN tỉnh, cho biết: Nếu thời điểm trước đa số các dự án thu hút được chủ yếu là dự án quy mô vừa và nhỏ thì gần đây các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số dự án có vốn đầu tư lớn, như: dự án nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Sông Hậu, dự án của các công ty: Aqua One, Masan, Vinafco… Các dự án này đều có dây chuyền máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, khép kín, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây cũng chính là xu hướng thu hút đầu tư mà tỉnh đang hướng tới.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang tiềm năng và phát triển” trong tháng 7 năm nay, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thông tin: Số lượng và chất lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và tính chuyên nghiệp cao. Môi trường đầu tư của Hậu Giang những năm qua không ngừng được cải thiện. Từ khi chia tách tỉnh đến nay, tỉnh đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng. Tuy vậy, những thành tựu mà tỉnh đạt được trong những năm qua chưa thật sự tương xứng với lợi thế và tiềm năng vốn có của địa phương.

Tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư

Bên cạnh những lợi thế chung của vùng ĐBSCL, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được nhiều ưu đãi từ phía Chính phủ như chi phí đền bù, giá thuê đất thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành trong vùng. Mặt khác, do phát triển công nghiệp chậm hơn các tỉnh bạn nên Hậu Giang tận dụng được những bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư từ các đơn vị đi trước để có các chính sách hỗ trợ hợp lý, tạo được lòng tin đối với doanh nghiệp. Nhất là mới đây, tỉnh đã chính thức phê duyệt Đề án cơ chế thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020.

Đề án còn được thực hiện song song với cải cách các thủ tục hành chính. Theo đó, các sở, ngành tập trung rút ngắn tối đa các thủ tục liên quan đến đất đai, các chính sách mềm về ưu đãi đầu tư, thuế được công bố áp dụng công khai. Chưa kể là công tác xúc tiến thu hút đầu tư được đẩy mạnh và có sự thay đổi rõ rệt. Từ chỗ ngồi chờ nhà đầu tư đến, thì nay đã chuyển sang chủ động tiếp xúc mời gọi đầu tư, vận động thu hút đầu tư bằng chính uy tín, trách nhiệm, tinh thần phục vụ, hỗ trợ đối với nhà đầu tư hiện có và các nhà đầu tư mới, chủ động linh hoạt và tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư. 

Một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đầu tư nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đó là khơi thông các chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp phát triển. Cũng theo ông Điện, để đáp ứng xu thế mới trong thu hút đầu tư, BQL luôn ưu tiên mời gọi những nhà đầu tư thực sự có năng lực và có công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp mang tính bền vững cho địa phương, tiến nhanh đến đích trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư trong tháng 7 vừa qua, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay tới đây tỉnh quyết tâm thay đổi tư duy để góp phần giúp cho Hậu Giang bứt phá đi lên, bằng cách tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư. “Tất cả nhà đầu tư vào địa bàn Hậu Giang, chúng tôi đều quan tâm hỗ trợ bằng chủ trương chính sách cho họ. Bởi chúng tôi quan điểm rằng ở nơi nào trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp có khó khăn thì ở đó có mặt của chính quyền địa phương cùng tháo gỡ”, ông Hùng khẳng định. 

Định hướng giai đoạn 2015-2020, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển công nghiệp điện tử, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dược phẩm sử dụng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường.

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>