Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU)

Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam

25/08/2016 | 07:41 GMT+7

Việt Nam hiện đang cùng lúc đàm phán rất nhiều FTA với các đối tác lớn. Mỗi FTA lại đem đến cho doanh nghiệp những cơ hội và thách thức khác nhau.

Cơ hội

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu được kỳ vọng sẽ mang lại các lợi ích lớn về thương mại hàng hóa bởi ít nhất 4 lý do:

Thứ nhất, Liên minh trong đó đặc biệt là Nga, một thị trường rộng lớn hiện vẫn tương đối đóng với hàng hóa nước ngoài (thông qua hàng rào thuế quan cao). Cụ thể, dù đã gia nhập WTO nhưng mức thuế nhập khẩu trung bình vào Nga vẫn còn là cao, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Hiệp định có thể khai thông hàng rào thuế quan cao này.

Thứ hai, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của EAEU đến thời điểm này. Trên thực tế, khu vực EAEU đã từng đàm phán FTA với một số nước nhưng không đạt được tiến triển và bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Vì vậy, nếu ký được FTA với khu vực này, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế đặc biệt.

Thứ ba, cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và các nước EAEU là tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Do đó những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA sẽ được giảm bớt nhiều.

Thứ tư, hiện tại mạng lưới người Việt sống, học tập và làm việc tại Nga tương đối đông đảo, các doanh nghiệp có thể tận dụng các kinh nghiệm và mối quan hệ từ mạng lưới này để tiếp cận thị trường này.

Đặc biệt đối với các cam kết về thuế quan, cơ hội mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng lớn:

- Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế nhập khẩu sâu trong một số FTA làm cho thuế suất thấp, chính vì thế các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn. Hơn nữa, các sản phẩm của Việt Nam không lo ngại sản phẩm cạnh tranh từ EAEU mà điều này còn làm đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng.

- Đối với những mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho gia công, chế biến phục vụ xuất khẩu việc cắt giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, từ đó thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ để tái cơ cấu doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thách thức

Theo cam kết tại Hiệp định này, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường trong nước cho khoảng 90% các sản phẩm đến từ các nước EAEU, đặc biệt là các sản phẩm mà khu vực này có thế mạnh xuất khẩu như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Vì vậy, về lý thuyết, việc mở cửa sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể cho các ngành sản xuất trong nước.

Mặc dù vậy, thách thức này không phải quá lớn bởi:

Thứ nhất, rất nhiều các sản phẩm trong số này Việt Nam không sản xuất được, phải nhập khẩu.

Thứ hai, với các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, trên thực tế Việt Nam đã mở cửa trong các FTA đã có và chủ động dự kiến mở cửa trong các FTA sắp tới.

Thứ ba, thách thức này đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh chưa hiệu quả.

So với nhiều thị trường khác, thị trường EAEU có một số đặc điểm riêng có thể tạo ra những rủi ro nhất định cho thương mại hàng hóa, đặc biệt là sự tồn tại của nhiều loại “rào cản trá hình” như:

- Yêu cầu về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật không ổn định, thiếu minh bạch, do đó rất khó dự kiến trước.

- Quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối 5 nước EAEU.

- Các rào cản khác: Giao dịch với đối tác EAEU sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ tiếng Nga (chứ không sử dụng tiếng Anh thông dụng); thiếu thông tin về đối tác bạn hàng không sẵn có; cơ chế thanh toán không thuận tiện…

Hiệp định VN - EAEU FTA chưa xử lý được các loại rào cản này. Nếu không vượt qua được những rào cản này, các lợi ích của việc loại bỏ thuế quan, mở cửa thị trường mà Hiệp định mang lại sẽ bị vô hiệu hóa. Các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý xử lý các rào cản để tiếp cận thị trường EAEU, tận dụng lợi ích thuế quan to lớn từ Hiệp định này mang lại. Đối với cam kết về thuế quan, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ, như:

+ Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ.

+ Các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng nhập khẩu.

TP tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>