Trung Quốc đe dọa Nhật Bản ở Biển Hoa Đông

24/08/2016 | 08:20 GMT+7

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ (từ ngày 5 đến ngày 10-8), Chính phủ Nhật Bản đã trao hơn 30 công hàm phản đối cho Trung Quốc vì các vụ tàu Bắc Kinh xâm nhập vùng biển của Tokyo. Những hoạt động của Trung Quốc cho thấy căng thẳng ở khu vực này cũng nghiêm trọng như ở Biển Đông.

Tàu hải giám Trung Quốc hoạt động gần khu vực tranh chấp trên Biển Hoa Đông. Nguồn: AFP/TTXVN

Căng thẳng đã thật sự leo thang khi mới đây, Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản sẽ bị coi là “vượt qua lằn ranh đỏ” nếu đưa các chiến hạm của lực lượng Phòng vệ tham gia vào sứ mệnh duy trì tự do hàng hải. Thậm chí Bắc Kinh còn đe dọa dùng hành động quân sự để ngăn chặn. Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa còn đe dọa là Trung Quốc “sẽ không nhượng bộ vấn đề chủ quyền và không sợ hành động khiêu khích quân sự”.

Về vấn đề này, quan chức cấp cao Nhật Bản xác định rằng Tokyo không có kế hoạch tham gia các hoạt động của Mỹ, nhưng đồng thời đã cực lực chỉ trích việc Bắc Kinh xây dựng các tiền đồn có thể dùng vào mục tiêu quân sự trong vùng biển tranh chấp.

Cuộc đấu khẩu Nhật-Trung diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa hai bên do tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát ở Biển Hoa Đông, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Trong một diễn biến liên quan trước đó, các tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông. Các tàu cá và tàu của Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần áp sát gần quần đảo này dẫn đến sự phản đối từ Tokyo. Theo đó, lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) xác nhận gần đây đã phát hiện khoảng 230 tàu cá cùng 6 tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng tiếp giáp gần quần đảo tranh chấp trên. JCG cho biết thêm trong số tàu hải cảnh trên có một số tàu dường như được trang bị súng. Tàu Trung Quốc thường đi lại xung quanh quần đảo này, nhưng số tàu lần này nhiều hơn một cách bất thường.

Phản ứng trước sự việc trên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản để bày tỏ phản đối. Trong một tuyên bố, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương Kenji Kanasugi nhấn mạnh: “Đây là hành vi đơn phương làm gia tăng căng thẳng” và không thể chấp nhận được. Trước đó, phía Nhật Bản cũng có động thái chỉ trích tương tự sau khi tổng cộng 8 tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần Senkaku.

Để đối phó với những hành động leo thang của Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông, Tokyo sẽ triển khai một tên lửa đất đối hạm mới trong kế hoạch tăng cường phòng thủ các đảo miền Nam xa xôi. Theo đó, Tokyo có kế hoạch triển khai vào năm 2023 một tên lửa tầm phóng 300km trên các đảo như Miyako thuộc tỉnh Okinawa. Tầm phóng của tên lửa này sẽ bao trùm chuỗi đảo tranh chấp. “Do Trung Quốc tái diễn hành động khiêu khích quanh quần đảo Senkaku, Nhật Bản sẽ tăng cường răn đe bằng năng lực tấn công tầm xa đã được cải thiện”, đó là nhận định của tờ báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản.

Sự phản đối mới nhất này của Tokyo gây thêm căng thẳng trong quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng châu Á, và xảy ra chưa đầy một tháng sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ cái gọi là bản đồ “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng nghĩa với việc Philippines đã thắng kiện.

Giới quan sát cho rằng, những hoạt động gần đây của Trung Quốc là hình thức trả đũa đối với Nhật Bản trong bối cảnh Tokyo chỉ trích sự gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Những động thái trên càng thể hiện rõ bản tính hung hăng của Bắc Kinh không chỉ bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) mà còn như một lời thách thức với cộng đồng quốc tế của Trung Quốc. Đây cũng là tác nhân làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với Tokyo và các nước đồng minh.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản khoảng 400km về phía Tây và hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển xung quanh quần đảo này. Tranh chấp chủ quyền đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây hồi tháng 9-2012.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>