Phòng, chống dịch bệnh

Từ ý thức người dân

24/08/2016 | 07:36 GMT+7

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng những tháng qua ở huyện Phụng Hiệp diễn biến khá phức tạp (với số cas sốt xuất huyết chiếm gần 1/3 toàn tỉnh), địa phương này đang khẩn trương thực hiện các hoạt động phòng, chống nhằm khống chế sự gia tăng các bệnh này ở những tháng cuối năm.

“Lỗ hổng” kiến thức ở cộng đồng

Xã Thạnh Hòa, Long Thạnh và Tân Bình là 3 địa phương có số cas bệnh sốt xuất huyết cao nhất của huyện Phụng Hiệp. Cùng các nhóm truyền thông cộng đồng đi tuyên truyền về kiến thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Zika, tay - chân - miệng, mới phát hiện trong cộng đồng còn một lỗ hổng khá lớn về kiến thức phòng, chống các bệnh này.

Tuyên truyền cho người dân ở ấp Long Hòa A1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (trái) kiến thức phòng, chống 3 dịch bệnh trên.

Bà Quách Xiêu Luyến, ở ấp Long Hòa A1, xã Long Thạnh, cho rằng bệnh sốt xuất huyết không mắc ở… người lớn mà chỉ mắc ở trẻ em. Trong khi đó, kiến thức về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng bệnh bà rất rành. Bà Luyến bộc bạch: “Tôi mua nhang xua muỗi, đậy kín lu nước để không có lăng quăng. Trước đây, nhà cũng có cháu bị bệnh sốt xuất huyết, bệnh này lúc đầu thường sốt đi sốt lại không hết”. Khi một người trong nhóm hỏi bà về bệnh Zika, bà cũng bảo không biết…

Nói về tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Việt, thành viên trong nhóm truyền thông cộng đồng tại ấp Long Hòa A1, nhận định: “Qua đi thực tế cộng đồng, người dân đa số có hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết, nhưng bệnh Zika có ít người biết, bà con chưa có kiến thức về căn bệnh này. Còn người dân đã có kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, nhưng ý thức thực hành phòng bệnh chưa cao, chưa thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra nhiều ở địa phương”.

Một thành viên ở nhóm truyền thông cộng đồng khác là anh Lê Văn Đông cho hay: “Qua đi thực tế 10 hộ dân, đa số nhà dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Ở khu nhà trọ, nhiều vỏ dừa bỏ xung quanh nhà là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản. Khi hỏi người dân, vẫn có người không biết muỗi gì truyền bệnh sốt xuất huyết”…

Có thể nói, đây là thực trạng đáng lo ngại, khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh diễn ra nhiều, nhưng kiến thức của người dân còn quá hạn chế. Thiếu kiến thức lại không thường xuyên thực hành phòng bệnh nên mắc bệnh là chuyện khó tránh.

Thông tin về tình hình dịch bệnh ở huyện những tháng đầu năm, ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết có tổng số 62 cas bệnh sốt xuất huyết và 61 cas bệnh tay - chân - miệng được ghi nhận. Ông Lực nói: “Bệnh sốt xuất huyết tập trung nhiều ở 3 xã này nên chúng tôi tập trung triển khai chiến dịch sớm, thay vì các xã, thị trấn khác sẽ ra quân chiến dịch từ ngày 24 đến 26-8. Người dân có kiến thức về dịch bệnh là một lẽ, còn thực hành hiệu quả thế nào mới quan trọng. Thực tế, nếu một nhà ý thức tốt, một nhà khác không chịu làm, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn xảy ra. Khi đến ấp Tân Quới Kinh, xã Tân Bình, kiểm tra thấy mật độ lăng quăng trong dụng cụ chứa nước của người dân còn cao, khoảng 20% nhà có lăng quăng. Vấn đề ở đây là người dân hiểu biết, nhưng không quan tâm thực hiện”.

Tuyên truyền để “vá lại”

Trước thực trạng trên, Ths Võ Thị Hồng Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh, cho rằng các địa phương tăng cường truyền thông với nhiều hình thức để người dân hiểu biết về bệnh Zika và bệnh sốt xuất huyết, tăng cường công tác giám sát lăng quăng tại cộng đồng. Bà Loan khẳng định: “Khi thực hiện mô hình truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống sốt xuất huyết ở hai xã Thạnh Hòa và Long Thạnh, sẽ duy trì 10 cộng tác viên tuyên truyền trong 3 tháng tới ở đây. Chúng tôi ưu tiên cấp tài liệu truyền thông nhiều hơn ở các đơn vị này để tuyên truyền được thuận lợi, nhằm nâng cao kiến thức cũng như ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh thời gian tới. Sau 3 tháng thực hiện mô hình, sẽ đánh giá lại kiến thức người dân và mật độ lăng quăng ở hai địa phương này để rút kinh nghiệm. Đây là cách làm mới, giúp công tác truyền thông được duy trì liên tục trong cộng đồng”.

Hoạt động phòng, chống dịch cũng đã huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và địa phương. Bà Nguyễn Thị Út, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu cán bộ hội cơ sở truyền thông phòng, chống dịch bệnh cho hội viên qua các lần họp tổ, nhóm, câu lạc bộ. Hội cũng muốn có tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền, có vậy, hoạt động truyền thông mới mang lại hiệu quả cao. Người dân nếu không nhớ được sau khi nghe cán bộ tuyên truyền cũng có thể xem lại lúc rảnh rỗi”.

Đưa ra giải pháp để khống chế không để dịch bệnh tiếp tục gia tăng trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, nói: “Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện đã triển khai chiến dịch cho 15 xã, thị trấn. Ngoài 3 xã đã ra quân điểm, các xã còn lại sẽ tiếp tục ra quân từ ngày 24 đến 26-8”. Còn ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho rằng khi các trường nhập học sẽ tập trung truyền thông tại các điểm trường. Phòng, chống dịch bệnh tốt ở trường học cũng góp phần lớn phòng bệnh trong cộng đồng vì đa số trẻ đều đến trường. Cô giáo phải kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi các em vào lớp, để kịp thời cách ly nếu có trẻ bị bệnh, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến các trẻ khác trong trường.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>