Siết chặt bến đò “chui”

02/08/2016 | 06:38 GMT+7

Trên các tuyến kênh, rạch trong tỉnh hiện còn nhiều bến đò không đủ điều kiện hoạt động, nhưng vẫn ngang nhiên đưa rước khách hàng ngày, điều này gây nguy hiểm cho người qua sông.

Những chuyến đò ngang thô sơ hoạt động “chui” tiềm ẩn tai nạn bất ngờ, nhất là trong mùa mưa bão.

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hậu Giang, đến nay, không ít bến đò “tự phát” đang âm thầm hoạt động trên các tuyến kênh, rạch trong tỉnh nên rất khó kiểm soát. Điều này xuất phát từ đặc điểm địa lý và nhu cầu lưu thông bằng đường thủy của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đáng quan ngại là tất cả các bến đò ngang hoạt động “chui” đều chưa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông. Bởi phương tiện cũ kỹ, thô sơ, không được trang bị đầy đủ áo phao theo quy định hiện hành.

Tại bến đò ngang ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ của ông Trần Văn Lợi đã vận hành hơn 1 năm qua mà vẫn chưa có giấy phép hoạt động. Mới đây, lực lượng thanh tra giao thông còn tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 150.000 đồng do ông chưa trang bị áo phao trên đò. Ông Lợi lý giải: “Thông thường, đò của tôi chỉ chở tối đa khoảng 2 chiếc xe. Mấy hôm nay trời mưa, thấy áo phao bẩn quá mới gom lên giặt lại cho sạch, đến nay quên mang trở xuống. Tôi biết bến đò mình phương tiện thô sơ nhưng do hoàn cảnh khó khăn, nên chưa đủ khả năng đóng chẹt lớn. Riêng chuyện áo phao, tôi cam kết không để tái phạm nữa. Chỉ mong được hoạt động tiếp bởi đây là kế sinh nhai”.

Thậm chí bến đò doi Thầy Bảy, thuộc ấp Thạnh Hiếu, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, do ông Nguyễn Chí Lâm làm chủ, đã đưa rước khách khoảng 20 năm nay nhưng vẫn chưa có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định. Ông Nguyễn Chí Lâm phân trần: “Hồi xưa, bến đò của tôi nằm ngay khúc doi gần ngã ba sông. Khi đi xin phép thì trên tỉnh cho biết vị trí đó không thỏa điều kiện. Nhất là sau nhiều lần bị nhắc nhở, tôi quyết định mua đất và di dời đến chỗ mới, cách đó khoảng 100m. Tuy nhiên, vì bến bãi hiện hữu xảy ra tranh chấp với chủ cũ nên việc đăng ký bị đình trệ. Rất mong ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm để tôi có thể hoàn tất thủ tục hoạt động hợp pháp”.

Theo Đội Thanh tra Giao thông Vận tải số 3 (Sở Giao thông Vận tải Hậu Giang), từ đầu năm đến nay đã tổ chức trên 60 cuộc tuần tra các bến thủy nội địa, kiểm tra trên 120 trường hợp, giáo dục nhắc nhở 55 trường hợp, xử lý vi phạm 11 trường hợp, với tổng số tiền phạt là hơn 3,8 triệu đồng. Các lỗi chủ yếu do chủ phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, thiếu giấy phép mở bến, áo phao… Hiện đơn vị đang tổng rà soát, thống kê và phân loại các trường hợp không đủ điều kiện hoạt động ra từng nhóm để kiến nghị lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải sớm có hướng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Bùi Bình Yên, Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông Vận tải số 3, cho biết: “Thời gian qua, việc quản lý các bến đò ngang vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền răn đe và xử phạt vi phạm hành chính. Nhất là đối với trường hợp vi phạm nhiều lần, khi áp dụng biện pháp mạnh là đình chỉ hoạt động và tạm thu giữ phương tiện chờ xử lý thì chúng tôi gặp khó vì không có nơi để lưu giữ, bảo quản phương tiện vi phạm. Bởi nếu chỉ đơn thuần là lập biên bản đình chỉ hoạt động, thì sau khi chúng tôi rời đi thì chủ phương tiện lại tiếp tục đưa rước khách bình thường”.

Ông Võ Thanh Phong, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hậu Giang, khẳng định: “Tới đây, đối với những trường hợp chủ phương tiện cố tình không chấp hành, ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, nếu nơi nào có điều kiện bến bãi, chúng tôi sẽ cho tạm giữ phương tiện. Đối với những nơi không có điều kiện lưu giữ, chúng tôi sẽ phong tỏa bến rồi giao địa phương quản lý, lưu giữ phương tiện trong một thời gian nhất định, nhằm cương quyết xử lý hoạt động của các bến đò ngang không phép đang tồn tại ở nhiều địa phương trong tỉnh”.

Theo ngành chức năng, đến nay, trên các tuyến sông, kênh lớn do Trung ương quản lý như Cái Côn, Xà No, sông Hậu có 77 bến đò ngang đang hoạt động, trong đó có 50 bến được cấp phép, 27 bến không phép. Riêng các tuyến kênh do địa phương quản lý hiện có 259 bến đò ngang đang vận hành, trong đó chỉ có 129 bến được cấp phép, còn lại 130 bến hoạt động không phép.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>