Bức xúc vỡ hụi

27/07/2016 | 08:46 GMT+7

Lập ra trên 60 dây hụi để thu tiền hụi viên, sau một thời gian, ông Trần Văn Cậy (Chín Cậy), ở ấp 4B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, kiếm cớ né trả tiền cho con hụi. Sau đó, nhiều người đến nhà đòi tiền thì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi và đi khỏi nơi cư trú. Vụ việc được người dân trình báo đến cơ quan chức năng gần 1 năm nay nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Nhiều con hụi bức xúc khi bị ông Chín Cậy giật hụi.

Vỡ hụi hàng tỉ đồng

Hơn 10 năm qua, nhiều người dân ở xã Tân Hòa tham gia chơi hụi do ông Chín Cậy làm chủ. Lúc đầu, ai hốt hụi đều được ông Cậy chi trả sòng phẳng, do đó nhiều người tin tưởng và tham gia vào nhiều dây hụi khác do ông làm chủ. Lợi dụng lòng tin, từ năm 2013-2015, ông Cậy lập trên 60 dây hụi từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng, thu hút nhiều người tham gia và sau đó chiếm luôn số tiền của hụi viên đóng.

Gia đình ông Ngô Hoàng Dũng, ở ấp 1B, không có ruộng đất, hàng ngày vợ mua bán hàng bông, còn ông đi làm thuê với mong muốn tích cóp tiền của để mua đất canh  tác. Thấy ở ấp có nhiều người chơi hụi do ông Cậy làm chủ, nên ông Dũng tham gia 4 dây hụi với 500.000 đồng/dây.  Từ đó, vốn liếng của gia đình có được đều đổ vào các dây hụi. Tháng 2-2015, nghe tin ông Cậy vỡ hụi, ông Dũng không tin đó là sự thật. “Tôi đã nhiều lần đến nhà ông Cậy để đòi tiền, nhưng chỉ nhận những cái hẹn và không biết chừng nào mới trả”, ông Dũng nghẹn ngào.

Theo ông Dũng, với 4 dây hụi trên ông đã đóng trên 30 triệu đồng. Cả năm qua, để lo cuộc sống gia đình, ông Dũng phải vay ngân hàng 30 triệu đồng. Từ đó đến nay, hàng tháng ông phải cật lực làm lụng để vừa trả tiền gốc vừa trả lãi cho ngân hàng. “Bây giờ tôi chỉ mong ông Cậy trả tiền gốc là được, không cần trả lãi để tôi có tiền trả cho ngân hàng”, ông Dũng cho biết.

Còn gia đình ông Lê Công Thắm, ở ấp 4B, cũng lâm vào bế tắc từ khi ông Cậy vỡ hụi, với 9 dây hụi, tổng số tiền đóng trên 80 triệu đồng. “Do tham gia nhiều dây nên hầu như ngày nào vợ chồng tôi cũng đi làm mướn để có tiền đóng hụi. Nếu đến ngày đóng mà không có tiền thì ông Chín Cậy la mắng và còn lấy lãi vì chậm nộp”, ông Thắm cho biết.

Tuy nhiên, 2 trong 9 dây hụi của ông Thắm đã đến hạn hốt nhưng ông Chín Cậy không chi trả, cứ hẹn ngày này qua ngày khác. “Khi tôi đến đòi thì ông Cậy nói cứ yên tâm, rồi hẹn một ngày nhất định sẽ trả, nhưng cứ hẹn vậy hoài mà chưa thấy tiền”, ông Thắm nói. 

Ngoài việc các hụi viên hốt hụi nhưng ông Cậy không chi trả, thì ông còn kê khống số người tham gia chơi và hốt hụi. Nghĩa là người tham gia chơi chưa hốt nhưng trong danh sách ông Cậy nói đã hốt và có người không tham gia chơi nhưng ông lại điền tên vào danh sách tham gia. Tất nhiên, số tiền đó ông Cậy… ẵm trọn.

Lừa cả người khuyết tật

Khi chúng tôi xuống nắm lại vụ việc, thì có rất đông hụi viên đến với mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết công bằng. Điều khá bất ngờ là trong số các con hụi thì có nhiều gia đình cuộc sống rất khó khăn, cả người khuyết tật cũng bị ông Chín  Cậy… lừa.

Gia đình không có ruộng đất, hàng ngày phải đi làm thuê và cuộc sống gia đình bà Nguyễn Thị Búp, ở ấp 4B, luôn nghèo khó. Cách đây khoảng 3 năm, bà bị bệnh tiểu đường, bệnh tim, với mong muốn tích cóp một số vốn để điều trị bệnh nên bà tham gia chơi hụi do ông Chín Cậy làm chủ. “Lúc đó nghĩ, có chơi hụi thì mới có thể tích cóp được tiền, còn không thì không thể được, do đó tôi tham gia chơi 2 chân”, bà Búp cho biết.

Một lần thấy đôi mắt ngày càng mờ nên bà đi khám bệnh, thì phát hiện do biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến đôi mắt. Lúc đó, không có tiền nên bà đăng ký hốt hụi, nhưng khi được hốt thì ông Chín Cậy không chung tiền. Không có tiền điều trị, từ đó đôi mắt của bà Búp mờ dần, đến nay hoàn toàn không nhìn thấy. “Nhà nghèo, với mong muốn chơi hụi để dành dụm tiền chữa bệnh, nhưng bị chú Chín Cậy lừa mất trắng. Bây giờ “tiền mất tật mang”, tôi không biết làm sao để chữa bệnh”, bà Búp than thở.

Đau xót không kém bà Búp, cả năm nay, chị Đặng Hồng Thúy, ở ấp 4B, ăn ngủ không yên khi bị ông Cậy giật hụi. Bị liệt hai chân từ khi lên 3 tuổi, cuộc sống của chị Thúy là những chuỗi ngày dài đầy khó khăn. Cách đây khoảng 4 năm, cuộc sống của chị mở ra trang mới khi có người chồng thương yêu, chiều chuộng, không lâu sau một em bé ra đời. Ở đậu trên phần đất của cha mẹ, với mong muốn tích cóp tiền để xây căn nhà mới che nắng che mưa, do đó hàng ngày, chồng chị đi làm thuê, còn chị nuôi vịt bán. Số tiền dành dụm được bao nhiêu chị tham gia vào 2 chân hụi. Tháng 2-2015, nghe ông Chín Cậy vỡ hụi chị ngất xỉu. “Nhà nghèo, tôi thì tàn tật, muốn có căn nhà kín đáo nên mới chơi hụi, vậy mà cũng bị ông Chín Cậy lừa lấy hết tiền. Hai dây hụi tôi đã đóng vào trên 30 triệu đồng. Bây giờ phải cật lực làm lụng từ đầu để có tiền sửa lại căn nhà”, chị Thúy nghẹn ngào.

Đa số những nạn nhân của ông Chín Cậy là nông dân, một số làm thuê để có tiền chơi hụi. Hàng ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” với mong muốn chơi hụi để tích cóp có vốn trang trải cuộc sống, nhưng…

Theo người dân, sau khi ông Chín Cậy tuyên bố vỡ hụi thì không lâu sao ông đi khỏi nơi cư trú. Ông Trần Văn Tươi, Trưởng ấp 4B, xác nhận: “Việc ông Chín Cậy vỡ hụi được địa phương biết đến hơn 1 năm nay. Thời gian đầu, ông Chín Cậy còn ở nơi cư trú, nhưng gần 1 năm nay ông đi khỏi địa phương. Nhiều người đến nhà ông lấy tài sản để bù lại số tiền mà họ bị lừa”.

Những nạn nhân của vụ vỡ hụi này đã gửi đơn tố cáo ông Chín Cậy về hành vi lợi dụng uy tín, lòng tin của người dân chiếm đoạt tài sản người khác đến cơ quan chức năng. Và họ mong ngành chức năng sớm vào cuộc để giải quyết ổn thỏa vụ việc.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>