Khai sinh cho con, cháu có yếu tố nước ngoài

Chuyện chẳng đặng đừng ?

27/07/2016 | 08:08 GMT+7

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vị Thanh có những trường hợp khai sinh và được cấp khai sinh cho trẻ em có yếu tố nước ngoài không đúng quy định. Nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng này ?

Bà Đê có hoàn cảnh khó khăn, nên khai sinh cháu ngoại là con để mang quốc tịch Việt Nam.

Pháp luật quy định, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha mẹ đều là công dân Việt Nam chưa đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về Việt Nam cư trú thì phải có giấy tờ chứng minh trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam như: hộ chiếu, giấy có giá trị đi lại quốc tế có xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam. Việc lựa chọn quốc tịch đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài phải có văn bản thỏa thuận của cha, mẹ lựa chọn quốc tịch cho con, có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân. Ở thành phố Vị Thanh, một số trẻ em sinh ra ở nước ngoài, khi theo mẹ về Việt Nam sinh sống được UBND xã, phường cấp giấy khai sinh cho trẻ mang quốc tịch Việt Nam, nhưng không có văn bản thỏa thuận về quốc tịch cho trẻ là không đúng thẩm quyền.

Điển hình như trường hợp chị Lê Thị Kim Chi, ở phường V, thành phố Vị Thanh, kết hôn với chồng quốc tịch Hàn Quốc vào năm 2002. Năm 2003, chị sinh cháu Ngoan, năm 2004 chị sinh cháu Hiền. Ông Lê Minh Dũng (cha chị Chi) kể: Sau khi gả con không bao lâu thì Chi mang hai cháu về cho vợ chồng tôi nuôi rồi tiếp tục sang nước ngoài. Tôi nghe nói nó đã thôi chồng nhưng chưa ly hôn và hiện nay không còn liên lạc với chồng nữa. Khi về, hai cháu không có giấy tờ gì nên việc đi học gặp nhiều khó khăn, không gửi ở đâu được, vì vậy tôi đến UBND phường nhờ làm giấy khai sinh cho hai cháu đi học, hiện nay hai cháu học rất giỏi”.

Qua tìm hiểu được biết, giấy khai sinh của hai cháu đều mang họ mẹ và có quốc tịch Việt Nam.

Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Thúy, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng kết hôn với chồng quốc tịch Hàn Quốc vào năm 2005 rồi trong năm này được bảo lãnh sang Hàn chung sống với chồng. Đến năm 2009, chị Thúy về nước, sinh con tại Việt Nam và được UBND xã Tân Tiến cấp giấy khai sinh cho bé mang quốc tịch Việt Nam.

Trớ trêu thay, chính ông bà ngoại lại đứng tên khai sinh là cha, mẹ của cháu. Bà Trần Thị Đê (mẹ chị Thúy) nói: Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, hàng ngày phải đi làm mướn kiếm sống, bây giờ tôi đã ngoài 50 tuổi, còn chồng bị bệnh tâm thần nhẹ, không làm gì được, nay phải nuôi cháu ngoại. Tôi sợ khai cháu là cháu ngoại liên quan đến người nước ngoài thì khó, nên tôi đến xã khai vợ chồng tôi là cha mẹ ruột để được cấp giấy khai sinh cho cháu đi học”.

Về những trường hợp trên, bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Nếu UBND cấp xã cấp khai sinh sai quy định, không đúng thẩm quyền thì UBND cấp huyện phải thu hồi. Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài (Hàn Quốc), theo mẹ về Việt Nam sống, hầu hết đều có hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, tức là có quốc tịch nước ngoài. Khi trẻ em đã có quốc tịch nước ngoài thì yêu cầu gia đình đến cơ quan đại diện của nước ngoài (Hàn Quốc) tại Việt Nam xin trích lục bản sao giấy khai sinh dịch ra tiếng Việt để trẻ được đi học bình thường như bao trẻ em khác, nhưng là người nước ngoài”.

Theo pháp luật Việt Nam, trẻ em không được công nhận là công dân Việt Nam thì các chế độ, chính sách ưu đãi về học hành, chăm sóc sức khỏe như trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở công lập; trẻ em có quyền được học tập, đối với bậc tiểu học trẻ em không phải đóng học phí… và những quyền này không dành cho trẻ em nước ngoài. Bà Tuyền cho biết thêm: “Hiện nay, Bộ Tư pháp có văn bản về việc rà soát, đánh giá tình trạng quốc tịch, hộ tịch của trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, và Sở Tư pháp đang thực hiện rà soát theo yêu cầu”.  

Đăng ký khai sinh là việc rất quan trọng cần phải thực hiện đúng. Mọi hành vi đăng ký khai sinh không đúng quy định đều dẫn đến hệ quả là sự không hợp pháp trong các giấy tờ cá nhân, gây rắc rối, khó khăn cho bản thân người được khai sinh sau này, đồng thời gây phiền hà cho cơ quan có thẩm quyền khi phải chỉnh sửa, cải chính hộ tịch cùng với các giấy tờ liên quan khác.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>