Hệ lụy từ cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ

27/07/2016 | 07:18 GMT+7

Mặc dù vụ đảo chính đã đi qua hơn 12 ngày nhưng hệ lụy của nó khá nặng nề không chỉ ảnh hưởng đến các đảng phái chính trị, nền kinh tế gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Âm mưu đảo chính có thể trở thành khủng hoảng kinh tế kéo dài đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng hôm 20-7 vừa qua, Tổng thống Tayyip Erdogan đã có những động thái mạnh tay đối với những phần tử bị tình nghi có liên quan đến vụ đảo chính. Ông khẳng định tình trạng khẩn cấp là cần thiết: “Nhằm nhanh chóng loại bỏ những phần tử của tổ chức khủng bố có liên quan đến âm mưu đảo chính”. Theo đó, liên tục những ngày qua, hơn 60.000 công dân nước này trong đó có cả binh lính, cảnh sát, thẩm phán, giáo viên, công nhân viên chức và nhiều đối tượng khác đã bị giới chức Ankara đình chỉ công tác, bắt giữ hoặc bị điều tra. Mới đây, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, giới chức nước này đã công bố lệnh bắt giữ 42 nhà báo nhằm phục vụ điều tra cuộc đảo chính quân sự bất thành này. Trong số 42 nhà báo bị lệnh bắt giữ có cựu nghị sĩ, đồng thời cũng là nhà bình luận nổi tiếng Nazli Ilicak. Hiện ông Ilicak đang đi du lịch. Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch truy quét trên diện rộng mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã, đang và sẽ thực hiện.

Mới đây, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cho rằng, Ankara đã tiến hành tra tấn, nhục hình đối với những người tham gia vụ đảo chính bất thành bị bắt vừa qua. Trong đó có những hình ảnh các quân nhân tham gia đảo chính bị bắt, lột quần áo và trói chân tay nằm bất động. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên. Theo ông Bozdag, những ý kiến về tra tấn và bị đối xử tệ bạc đó là một phần chiến dịch của các thành viên tổ chức khủng bố do giáo sĩ Fethullah Gulen đứng đầu (nhà truyền giáo đối lập bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành vừa qua). Ông Bozdag khẳng định những cáo buộc trên là không có cơ sở.

Trong một động thái liên quan, mới đây Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố quan hệ giữa nước này với Mỹ sẽ bị tác động nếu Washington không dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính quân sự bất thành vừa qua về Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện giáo sĩ Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999. Về vấn đề này, Nhà Trắng cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét đơn đề nghị dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng chính quyền Ankara phải cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy ông Gulen dính dáng đến cuộc đảo chính vừa qua. Bản thân giáo sĩ Gulen cũng bác bỏ cáo buộc của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về vai trò của ông trong vụ đảo chính này.

Những hành động trên của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tác động xấu thêm tình hình trong nước và quan hệ quốc tế, nhất là tiến trình xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ankara. Mặc dù trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được là một trong những nước có các chỉ số tốt nhất trong số các thị trường đang phát triển với dự báo kinh tế năm 2016 sẽ đạt mức tăng trưởng 4%. Tuy nhiên, tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy lo sợ, đặc biệt những nhà đầu tư đến từ EU. Mặt khác, mới đây, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ khôi phục án tử hình và vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là rào cản để Ankara gia nhập EU. Bởi lẽ, Thổ Nhĩ Kỳ từng bỏ án tử hình vào năm 2004 như một biện pháp để thúc đẩy khả năng trở thành thành viên của EU.

Trong một diễn biến có liên quan, phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể gia nhập EU dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, thậm chí mọi cuộc đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ bị đình chỉ ngay lập tức nếu Ankara tái áp dụng án tử hình.

Giới quan sát nhận định, mặc dù dập tắt được cuộc đảo chính nhưng hành động trấn áp mạnh tay phe đối lập của Tổng thống Erdogan đã làm gia tăng thêm mâu thuẫn nội bộ. Điều này đã làm cho tình hình chính trị, an ninh trật tự của Ankara ngày càng mất ổn định, kinh tế bị khủng hoảng, chính quyền mất đi lòng tin đối với một bộ phận người dân trong nước và quan trọng hơn là mất đi tín nhiệm trong quan hệ đối ngoại với EU và Mỹ. Hệ lụy của việc này sẽ làm cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng không lối thoát.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>