Bệnh bạch hầu nguy hiểm, nhưng có vắc-xin phòng bệnh

26/07/2016 | 09:28 GMT+7

Những ngày gần đây, thông tin về dịch bệnh bạch hầu khiến 3 người tử vong và hàng chục người khác nhập viện ở tỉnh Bình Phước, đã làm nhiều người lo lắng. Để có thông tin cụ thể về căn bệnh này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lành (ảnh), Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Bác sĩ Lành cho biết, bệnh bạch hầu có thể phòng bằng vắc-xin.

Bác sĩ có thể cho biết triệu chứng và sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu ?

- Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh rất nguy hiểm và diễn biến nhanh. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể phóng thích ra ngoại độc tố. Độc tố này gây ra nhiễm độc thần kinh, tổn thương đến tim và thận dẫn đến tử vong.

Triệu chứng điển hình thường gặp khi mắc bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, đau họng, ho khan, khó thở, họng xuất hiện giả mạc có màu trắng ngà hoặc xậm đen bám chặt, dai. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-7 ngày. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp hoặc qua vật dụng và đồ chơi. Lứa tuổi dễ mắc nhất là từ 1-10 tuổi. Tuy nguy hiểm, nhưng là bệnh có thuốc điều trị. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ mang lại kết quả tốt.

Bác sĩ có thể thông tin về vắc-xin phòng bệnh bạch hầu ?

- Hiện nay, vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1, sẽ giúp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm não do vi trùng HIB. Nếu chúng ta tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch thì tỷ lệ mắc bệnh rất thấp. Vắc-xin này được đưa vào chương trình tiêm chủng ở nước ta từ năm 1984. Qua thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, cho thấy tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu giảm rõ rệt. Từ một nghiên cứu vào năm 2014, công bố tỷ lệ mắc bệnh chỉ 0,01 người mắc bệnh bạch hầu trên 100 triệu dân. Nếu so sánh trước khi có vắc-xin phòng bệnh, thì bệnh bạch hầu giảm 228 lần.

Bác sĩ có lời khuyên gì giúp người dân phòng bệnh hiệu quả ?

- Các gia đình nên đưa con đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ liều. Lịch tiêm mũi 1 khi trẻ tròn 2 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ 3 tháng tuổi, mũi 3 khi trẻ 4 tháng tuổi và mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi, tiêm nhắc lại lúc trẻ 5-6 tuổi. Không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với người bệnh và người nghi ngờ bệnh. Nếu cần phải tiếp xúc thì phải mang khẩu trang cẩn thận hoặc xin ý kiến bác sĩ cho uống thuốc dự phòng trước khi tiếp xúc nguồn lây.

Các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu cần phải cách ly ít nhất 2 ngày sau khi dùng kháng sinh, phải che miệng khi ho, hắt hơi. Mọi người cần giữ nhà cửa, phòng học phải thoáng mát, vật dụng và đồ chơi phải được vệ sinh hàng ngày bằng hóa chất. Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh.

Xin cảm ơn bác sĩ !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>