Giữ niềm tin thực phẩm sạch

21/07/2016 | 08:29 GMT+7

Từ những lợi ích thiết thực, nhiều cửa hàng thực phẩm sạch ra đời đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, đồng thời bước đầu mở ra cơ hội mới cho nhiều nông dân trồng rau màu trong tỉnh.

Sự ra đời của mô hình cửa hàng tiện ích theo chuỗi an toàn được kỳ vọng từng bước khắc phục những hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch.

Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng chuộng sản phẩm sạch để giảm nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tuy nhiên, việc liên kết giữa các nhà sản xuất, chế biến, phân phối, bán lẻ hàng hóa còn nhiều lỏng lẻo nên chưa mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài các đặc sản như khóm Cầu Đúc, cam sành Ngã Bảy… có thương hiệu hẳn hoi nên việc tiêu thụ tương đối dễ dàng thì nhiều loại nông sản khác hầu như còn “nặng gánh” đầu ra. Trong số đó, có không ít hộ dân trồng rau tuy sản xuất ra những thực phẩm khá tốt nhưng họ vẫn đang phải kêu cứu vì sự bấp bênh của thị trường.

Thêm cơ hội cho người trồng rau màu

Hộ ông Trương Văn Hồng, ở khu vực 6, phường III, thành phố Vị Thanh, quanh năm tất bật với diện tích trồng màu chưa đầy 1 công đất. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm không giúp gia đình ông đỡ vất vả hơn. Ông Hồng khẳng định: “Thu nhập từ trồng rau khá bấp bênh. Muốn cho thu nhập ổn định dài lâu cần phải có hướng đi mới. Nhiều năm nay, chủ yếu tôi trồng theo kiểu tự đúc kết kinh nghiệm nên rủi ro khá cao. Vụ vừa qua, tôi được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nên rút ra được cách làm hay”.

Cùng suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Hòa, ở phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi thuê 1 công đất với giá 1 triệu đồng/năm để trồng màu. Nguồn thu nhập tuy ổn định nhưng tính đi tính lại chỉ đủ sống chứ chưa thể giúp gia đình trở nên khấm khá hơn. Tôi có kinh nghiệm gần 10 năm với nghề trồng rau và bắt đầu nghiên cứu cách sản xuất rau sạch trong vài năm trở lại đây. Vì thế, khi được vận động tham gia chuỗi sản xuất rau an toàn, tôi nhận thấy hướng đi này cần thiết cho gia đình nên đã quyết định tham gia”.  

Qua khảo sát tình hình tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, khi đến mua hàng, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền cao hơn 5-10% để mua thực phẩm sạch. Qua đây cho thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hậu Giang, cho rằng: Khi bắt đầu thực hiện mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi ở Hậu Giang, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng cao từ các hộ trồng rau màu trong tỉnh. Bởi bản thân người dân đã nhận thức được sự bấp bênh của thị trường và ý thức về quy trình sản xuất sạch ra sao. Tham gia vào chuỗi, nông dân được nhiều cái lợi, nhất là sản phẩm được tiêu thụ với giá cao.

Ông Đức thông tin thêm: Do hạn chế tiếp xúc với chế phẩm hóa học, chỉ sử dụng các loại phân, thuốc sinh học nên sản xuất rau màu theo chuỗi an toàn góp phần bảo vệ chính bản thân người trực tiếp làm ra sản phẩm. Qua khảo sát bước đầu, đã có hơn 20 hộ tham gia thực hiện mô hình này, với tổng diện tích 4,1ha, gồm nhiều sản phẩm rau, cải xanh các loại, mướp, đậu que… Từng diện tích canh tác đó đều đã được lấy mẫu đất, nước kiểm tra, đến khi có sản phẩm sẽ kiểm tra thêm một bước về chất lượng. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa, sản phẩm sẽ góp mặt tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn. 

Tiện ích của cửa hàng thực phẩm sạch

Cũng như nhiều cửa hàng tự chọn khác, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi ra đời với mong muốn sẽ tác động đến thói quen mua sắm an toàn, hiện đại của người tiêu dùng. Cửa hàng tiện ích Hậu Giang vừa khai trương là một trong 3 cửa hàng mà Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh hướng dẫn người dân xây dựng mô hình kinh doanh thực phẩm theo chuỗi an toàn. Đặt tại đường Ngô Quốc Trị, phường V, thành phố Vị Thanh, ngay trong ngày đầu khai trương, cửa hàng tiện ích này đã thu hút đông đảo khách hàng đến mua sắm.

Đại diện cửa hàng tiện ích Hậu Giang cho biết, tất cả các sản phẩm bày bán ở đây đều đảm bảo ATVSTP và được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn trong việc lựa chọn bữa ăn gia đình. Bởi cửa hàng trực tiếp phân phối khoảng trên 30 mặt hàng, thực phẩm rau, củ, quả đông lạnh, thủy, hải sản, cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng khác từ các nhà sản xuất uy tín trong và ngoài tỉnh. Có thể thấy, mô hình kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi còn ở giai đoạn đầu, giới hạn về quy mô, song đã khẳng định những ưu điểm rõ rệt.

Còn theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mô hình này thuận tiện cho việc giám sát an toàn thực phẩm, giảm nhiều khâu trung gian trong quá trình tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Vì thế, sự ra đời của mô hình được kỳ vọng từng bước khắc phục những hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, đặc biệt là thúc đẩy mối liên kết giữa nơi phân phối và nơi sản xuất, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, hướng đến sản xuất tập trung, bình ổn thị trường. Từ đó, người tiêu dùng sẽ không phải lo thực phẩm tăng giá “chóng mặt” mỗi khi có sự bất lợi về thời tiết, vì các điểm này đã ổn định về nguồn cung và giá cả ngay từ đầu.

Mặt khác, việc kết nối các kênh phân phối chính là điều kiện sống còn để nông dân tin tưởng vào lợi ích của việc thực hiện theo chuỗi sản xuất sạch. “Để mô hình phát triển bền vững, các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình hoạt động và tự kiểm soát, bảo đảm chất lượng ổn định trong từng khâu phân phối. Với mỗi người tiêu dùng nên lựa chọn cho mình những sản phẩm an toàn theo chuỗi nhằm bảo đảm sức khỏe và quyền lợi của mình”, ông Nguyễn Minh Đức khuyến cáo.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>