Chạy đua vũ trang giữa Triều Tiên và Hàn Quốc

01/07/2016 | 05:41 GMT+7

Việc phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên tuần rồi đã gây ra những bất an không chỉ Hàn Quốc, Mỹ mà còn nhiều quốc gia liên quan. Bởi lẽ, loại tên lửa này có thể tấn công tới nhiều quốc gia và Hàn Quốc cũng thừa nhận chưa đủ điều kiện để bắn hạ.

Bản tin về vụ phóng thử tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên được phát tại nhà ga ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 23-6. Nguồn: AFP/TTXVN

Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo lần thứ 6 của Triều Tiên trong những tháng gần đây bất chấp lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gia tăng lên quốc gia này. Vụ thử tên lửa đạn đạo lần này được cho là thành công hơn những lần trước đây. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Jeff Davis cho biết tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên đã bay lên tới khoảng không vũ trụ rồi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất, đồng thời nhận định vụ phóng thử này đã thành công.

Vụ thử tên lửa đạn đạo lần này không chỉ gây ra sự quan ngại đối với Hàn Quốc, Mỹ mà còn có cả những quốc gia lân cận. Theo ông Davis, các quốc gia liên quan cần tiếp tục gây sức ép buộc Triều Tiên phải tuân thủ và thực hiện những nghĩa vụ của nước này trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và trở thành một láng giềng tốt trong khu vực.

Trước đó, giới chức quân sự Hàn Quốc cũng đã thừa nhận các hệ thống đánh chặn của nước này không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên. Từ thực tế trên, Seoul đang kêu gọi Mỹ đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) - một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Washington, hay các hệ thống đánh chặn SM-3 đủ khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố sẽ làm cho Triều Tiên phải nhận ra rằng họ không thể duy trì chế độ của mình mà không từ bỏ chương trình hạt nhân, đồng thời cho rằng ý chí của cộng đồng quốc tế trong việc phi hạt nhân hóa nước này sẽ không bao giờ dao động.

Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc cùng Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí tiếp tục phối hợp chính sách và chia sẻ thông tin để đối phó với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên. Theo đó, Hàn-Mỹ-Nhật cho rằng: “Các hành động khiêu khích của Triều Tiên sẽ tăng cường hơn nữa quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc buộc nước này phải chấm dứt cách hành xử như vậy”. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kelly Magsamen đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Washington đối với việc bảo vệ Hàn Quốc, nơi có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú.

Hiện Trung Quốc vẫn phản đối kế hoạch triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Mặc dù Seoul khẳng định việc triển khai THAAD là nhằm bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ Triều Tiên nhưng Trung Quốc vẫn lên tiếng phản đối kế hoạch này vì cho rằng THAAD đe dọa tới lợi ích an ninh của Bắc Kinh và radar của hệ thống này có tầm phủ sóng tới cả lãnh thổ của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng: “Hàn Quốc nên chú trọng tới mối quan tâm chính đáng của Trung Quốc về an ninh, đồng thời nên xử lý thận trọng và thỏa đáng kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc”.

Về phần mình, Triều Tiên cho rằng chính những hành động của Mỹ đã khiến nước này tiếp tục các vụ thử tên lửa và phát triển hạt nhân. Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Han Song Ryol, cho rằng Washington sẽ phải chứng kiến thêm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tương tự như các vụ phóng tên lửa vừa qua chừng nào Nhà Trắng còn âm mưu lật đổ Chính phủ Triều Tiên thông qua chính sách gây sức ép và trừng phạt.

Trong một động thái liên quan, Triều Tiên đã đề nghị Hàn Quốc tổ chức một cuộc gặp chung với sự tham gia của các đại diện chính đảng và tổ chức xã hội của cả hai bên vào tháng 8 tới, đồng thời nhấn mạnh phi hạt nhân hóa cần phải được ưu tiên như là một điều kiện tiên quyết cho đối thoại. Tuy nhiên, Seoul đã không chấp nhận, đồng thời cho rằng đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng chỉ là giả tạo. Chính phủ Hàn Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên chứng tỏ cam kết đối với việc phi hạt nhân hóa, nếu Bình Nhưỡng mong muốn cải thiện mối quan hệ liên Triều và nỗ lực tìm cách tái thống nhất hòa bình.

Thực tế, việc gia tăng căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ngày một leo thang đã dấy lên mối quan ngại về cuộc chạy đua vũ trang trong đó có vũ khí hạt nhân của hai quốc gia này. Chính điều này đã làm cho tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ khó khăn hơn và mục tiêu đạt được sẽ còn xa vời.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>