Chuyên gia bóc tách bất cập của Luật phòng chống tham nhũng

29/06/2016 | 16:40 GMT+7

Theo TS Nguyễn Quốc Văn, việc xử lý hành chính đối với nhiều hành vi tham nhũng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Qua 10 năm thực thi Luật Phòng chống tham nhũng cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng đến nay tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

TS Nguyễn Quốc Văn, Vụ phó Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ). (Ảnh: TT)

Nhận định này được chuyên gia về phòng chống tham nhũng, TS Nguyễn Quốc Văn, Vụ phó Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) đưa ra tại Hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng qua một số lĩnh vực” do Viện Chính sách công và pháp luật và Tổ chức Hướng tới minh bạch đồng tổ chức sáng 28/6 tại Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn trích dẫn kết quả khảo sát của Công ty tư vấn Monaco phối hợp với Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) tổ chức vào tháng 3/2016 cho thấy tham nhũng ngày càng được nhiều người đánh giá là “phổ biến” và “rất phổ biến”, tham nhũng ngày càng tinh vi; các nhóm đối tượng được khảo sát (cán bộ công chức, cán bộ doanh nghiệp, người dân) đều “bình chọn” tham nhũng là một trong 3 vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay. Cán bộ công chức xếp tham nhũng là vấn đề số 1 trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường. Tham nhũng không giảm trong 10 năm qua cho thấy hiệu quả thực hiện cơ chế phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa cao.

Nhiều hành vi tham nhũng còn chưa được quy định trong Luật

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn nêu rõ, một trong các nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng trên là do những bất cập trong các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó đáng chú ý là các quy định về hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý đối với những hành vi tham nhũng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng như không thực hiện việc công khai, minh bạch; không trả lại quà tặng; hoặc các hành vi có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện bởi người không có chức vụ, quyền hạn.

Ông Văn cho biết, theo kết quả khảo sát, các hành vi tham nhũng hiện nay chủ yếu được xử lý bằng pháp luật hình sự, việc xử lý hành chính hành vi tham nhũng là khoảng trống rất lớn và hầu như chưa được thực hiện.

Ông Văn cũng cho rằng, khái niệm “tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng” có phạm vi rất rộng nên với Việt Nam quy định này chưa hoàn toàn phù hợp với trình độ và khả năng phát hiện, thu hồi tài sản phát sinh từ tài sản tham nhũng gốc. Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định rõ về tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc và phương thức xử lý đối với những tài sản này nên pháp luật hiện hành vẫn thiếu các biện pháp hữu hiệu nhằm truy nguyên nguồn gốc tài sản.

Bên cạnh đó, theo ông Văn, các quy định về xử lý tài sản tham nhũng trong luật Phòng chống tham nhũng hiện hành còn quá sơ lược, nhìn chung là không áp dụng được. Pháp luật chưa quy định rõ thu hồi tài sản tham nhũng ở trong nước và có yếu tố nước ngoài; chưa quy định rõ các trường hợp thu hồi tài sản tham nhũng trước và sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật; chưa quy định về thu hồi tài sản tham nhũng theo bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, theo các thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương; chưa quy định, dẫn chiếu luật khác về trách nhiệm của các cơ quan trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Nguyễn Quốc Văn cũng chỉ ra rằng sở dĩ việc xử lý hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp là bởi việc quy định về hành vi tham nhũng trong Luật Phòng chống tham nhũng và quy định về tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự chưa hợp lý. Điều 3 của Luật Phòng chống tham nhũng quy định 12 nhóm hành vi tham nhũng, trong đó 7 nhóm hành vi đầu tiên đã được hình sự hóa, 5 nhóm hành vi còn lại mới được bổ sung theo yêu cầu thực tiễn, chưa quy định phải xử lý hình sự. Việc quy định như vậy sẽ bỏ lọt đại đa số hành vi tham nhũng trên thực tiễn. Bởi ngoại trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia, với hầu hết các tội khác được quy định trong Bộ luật Hình sự, nếu chủ thể của hành vi là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ quyền hạn vì vụ lợi thì phải được nghiên cứu, xử lý theo tội danh tham nhũng.

Thiếu các quy định về phòng ngừa tham nhũng thông qua giáo dục

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn, thực tế cho thấy nếu biết phát huy vai trò của nhân dân, của nhóm chủ thể “phía bên kia Nhà nước” mới thành công trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tuy nhiên, pháp luật phòng chống tham nhũng chưa thực sự khuyến khích, phát huy vai trò của phía xã hội trong phòng chống tham nhũng; thiếu cơ chế và bảo đảm pháp lý cho việc phát huy vai trò của xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng. Trong khi tham nhũng chủ yếu diễn ra ở khu vực công, bởi những chủ thể công quyền, do vậy, việc đấu tranh chống tham nhũng do chính các cơ quan công quyền, các công chức tiến hành luôn gặp khó khăn, thách thức bởi các rào cản về xung đột lợi ích.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Văn cũng cho thấy, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành thiếu hoàn toàn các quy định về biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua giáo dục đạo đức liêm chính cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, mặc dù đây là biện pháp phòng ngừa bền vững nhất, mang tính chiến lược nhằm hạn chế nguyên nhân tham nhũng nằm sâu trong bản thân mỗi cá nhân và bảo đảm cho mỗi người dân khả năng tự vệ và khả năng đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong bối cảnh hiện nay, hiện tượng “tham nhũng vặt” diễn ra phổ biến, gần như không loại trừ ảnh hưởng đến người dân nào./.

Theo Hà Thanh/VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>