Lấy chồng ngoại

Đâu giống như mơ...

29/06/2016 | 08:56 GMT+7

Trong thời gian qua, việc lấy chồng có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thị xã Long Mỹ khá phổ biến, nhưng không phải giấc mơ xuất ngoại nào cũng đẹp và êm đềm.

Ông T.V.C., ở khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường và cháu ngoại quốc tịch Hàn Quốc.

Ông T.V.C., ở khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn phải cặm cụi với mấy công ruộng, rồi chăm nuôi đứa cháu ngoại 8 tuổi có quốc tịch Hàn Quốc. Ông C. cho biết, trước đây gia đình ông nghèo khó, nên con gái ông là T.T.V. mới học hết lớp 6 đã phải nghỉ học theo gia đình ra tận Vũng Tàu làm mướn. Đến năm 2005, khi vừa tròn 18 tuổi, được người mai mối, V. lấy chồng Hàn Quốc, rồi sang nước này sinh sống. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc, nhưng chỉ sau 3 năm lập gia đình và  sinh con đầu lòng, V. ly hôn với chồng rồi mang con về đây cho ông nuôi, còn chị vẫn ở Hàn Quốc kiếm việc làm. Giờ đây, từ những đồng tiền nước ngoài gửi về, ông C. đã cất được căn nhà tường khang trang rộng rãi, nhưng vắng bóng người thân, chỉ có hai ông cháu ra vào.

Đứa con chị V. năm nay đã 8 tuổi, nhưng 5 năm rồi chưa được gặp mẹ, lâu lâu chỉ được nói chuyện qua điện thoại rồi thôi. Hơi ấm người mẹ cứ nhạt nhòa dần. Ông C. nói: “Con V. nhà tui làm đủ số tiền mua vé máy bay về nước rồi giao con cho tui nuôi từ nhỏ tới giờ. Nó trở sang bên ấy để làm kiếm tiền, nó nói cố gắng kiếm thêm ít tiền nữa rồi về Việt Nam nuôi con”.

Tính ra, hoàn cảnh chị V. còn nhiều may mắn, khi có việc làm ở xứ lạ quê người và có tiền gửi về quê cho cha mẹ nuôi con.

Cách nhà ông C. vài trăm mét, hoàn cảnh của bà N.T.M.T. còn xót xa, ngậm ngùi hơn. Con gái bà là T.T.T.A. cách nay hơn 10 năm khi vừa học xong lớp 12 cũng vội vã đi lấy chồng Hàn Quốc, nhưng chỉ được 3 năm sau thì ly hôn và gửi con về cho vợ chồng bà nuôi. Đầu năm 2016, khi hay tin cha bệnh nặng, T.A. trở về quê chăm sóc. Cách nay hơn 3 tháng, lúc chồng bà mất, chỉ sau đó 7 ngày, T.A. do buồn bực, quẫn trí chuyện gia đình nên đã uống thuốc độc tự kết liễu đời mình, bỏ lại hai con nhỏ. Hoàn cảnh đơn chiếc, không thể vừa làm lụng kiếm tiền, vừa chăm nom hai đứa cháu ngoại có quốc tịch Hàn Quốc, nên bà T. buộc phải gọi người con gái đang học y sĩ ở  thành phố Cần Thơ về nhà để lo tiếp chuyện gia đình.

Nói về tương lai của gia đình và các cháu, bà T. buồn bã: “Gia đình tôi chỉ có 2 công ruộng, trước đây nghèo nên bấm bụng cho con lấy chồng Hàn Quốc. Nói thiệt là cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào số tiền con gửi về cho gia đình, đến nay con mất rồi cuộc sống khó khăn, cháu thiếu thốn cũng không lo được gì. Giờ không biết phải làm gì để lo cho hai đứa cháu nữa”.

Sự bất hạnh ở những cuộc hôn nhân vội vã không chỉ ở chỗ cuộc sống khó khăn, mà là hạnh phúc gia đình khó giữ được vì nhiều sự khác biệt và chưa hiểu nhau. Hầu hết phụ nữ khi lấy chồng nước ngoài đều hy vọng có việc làm ổn định, thu nhập cao gửi về phụ giúp cha mẹ ở quê nhà. Thế nhưng, thực tế không phải trường hợp nào cũng đạt được trọn vẹn giấc mơ. Đã có khá nhiều cô gái lấy chồng người  nước ngoài chưa bao lâu đã ly hôn, trong số này có người tiếp tục định cư ở nước ngoài, có người quay về Việt Nam sinh sống.

Hơn 10 năm qua, chuyện phụ nữ trẻ ở nông thôn lấy chồng nước ngoài diễn ra phổ biến ở các xã, phường trên địa bàn thị xã Long Mỹ. Dù được các ngành chức năng quan tâm, tuyên truyền cảnh báo về những bi kịch có thể xảy ra sau những cuộc hôn nhân vội vã này, nhưng xem ra phong trào lấy chồng nước ngoài vẫn không lắng xuống. Chị Nguyễn Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị xã Long Mỹ, cho biết: “Từ đầu năm 2016 đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Long Mỹ đã tư vấn cho 67 phụ nữ có ý định lấy chồng Hàn Quốc, hầu hết các chị đến đây đều rất trẻ chưa hiểu gì về luật pháp cũng như nước mà mình có ý định lấy chồng, chúng tôi cũng hướng dẫn, động viên và tư vấn cho các trường hợp này rất nhiều, để các em có quyết định đúng đắn nhất”.

5 đứa trẻ từ 5-10 tuổi có quốc tịch nước ngoài, do cha mẹ ly hôn nên đã về sinh sống trên địa bàn thị xã Long Mỹ. Hiện tại, các em bây giờ còn đang ở độ tuổi rất nhỏ, vẫn được cắp sách đến trường như bao bạn bè khác cùng trang lứa. Nhưng liệu vài năm sau các em lớn lên, các thủ tục, giấy tờ để các em đi học phải tính thế nào. Đó là chưa kể chuyện lâu dài đến khi trưởng thành rồi dựng vợ, gả chồng liệu có được suôn sẻ? Rồi sự mặc cảm của những đứa trẻ sẽ được bù đắp ra sao?, câu hỏi lớn về tương lai của những em bé nói tiếng Việt, sống trên quê hương của mẹ mình, nhưng mang quốc tịch nước ngoài xem ra vẫn còn bỏ ngỏ câu trả lời…

12 người lấy chồng nước ngoài, 5 người ly hôn…

Theo số liệu của Phòng Tư pháp thị xã Long Mỹ, từ đầu năm 2016 đến nay có 12 phụ nữ ở thị xã lấy chồng nước ngoài, chủ yếu là người Hàn Quốc và Đài Loan. Trong số này đã có 5 vụ ly hôn. Lý do chị em đưa ra khi lấy chồng nước ngoài là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn có tiền phụ giúp gia đình, nhưng ngặt nỗi nhiều khi lấy chồng ngoại đâu được như mơ…

 

Bài, ảnh: NGUYÊN HÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>