Phản ứng dây chuyền từ Brexit

29/06/2016 | 07:49 GMT+7

Việc Brexit (Anh rời khỏi EU) không chỉ đã và đang tạo ra phản ứng dây chuyền ở nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) mà còn có thể lây lan sang các quốc gia liên quan khác.

EU liệu có sớm mất mảnh ghép Anh sau Brexit ? Ảnh: AP

Sau 43 năm chung sống trong Liên minh châu Âu (EU), việc gần 52% cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU tại cuộc trưng cầu dân ý mới đây đã tác động không nhỏ đối với quốc gia này. Trước hết, vì việc này, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới. Điều này sẽ tạo ra một cuộc chạy đua tranh giành vị trí lãnh đạo nước Anh trong vài tháng tới. Trong một diễn biến liên quan, không ít người dân Anh sau khi bỏ phiếu tán đồng Brexit lại nuối tiếc vì mất quyền lợi đi lại tự do trong EU. Hiện có khoảng hơn 2 triệu người đã ký tên thỉnh cầu Nghị viện Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần hai với hy vọng sẽ cải thiện tình hình. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron đã bác bỏ khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về tư cách thành viên EU của nước này. Từ kết quả trưng cầu dân ý trên đã làm cho nội bộ Anh bị chia rẽ sâu sắc. Theo một kết quả khảo sát mới nhất, hơn một nửa người dân Scotland ủng hộ tách vùng lãnh thổ này ra khỏi nước Anh với mong muốn đảm bảo tư cách thành viên của Scotland tại EU. Đây là một dấu hiệu cho sự rạn nứt trong nội bộ nước Anh, có nhiều khả năng dẫn đến chia rẽ vùng miền theo hướng tự trị.

Trong một động thái liên quan, một phản ứng mang tính dây chuyền từ thông tin Brexit đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia liên quan như:  Thụy Điển, Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Hungary và Pháp… Trước tiên là Thụy Điển, một bộ phận người dân nước này cũng không đồng tình các chính sách của EU giống Anh nên cũng có những dao động đáng kể. Còn nhớ năm 2003, người dân Thụy Điển đã từ chối sử dụng đồng tiền chung euro trong một cuộc trưng cầu dân ý. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để dự đoán phe cấp tiến ở Thụy Điển có thể sẽ đề xuất việc nước này rời khỏi EU. Cũng giống như ở Anh, người Đan Mạch e ngại làn sóng dân tị nạn có thể gây hại đến sự thịnh vượng của đất nước nhỏ bé của họ. Đan Mạch từng hai lần bỏ phiếu chống đối gia nhập đồng tiền chung euro, vào năm 1992 và năm 2000. Đối với Hy Lạp, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và việc Brexit được hiện thực hóa có thể là mối đe dọa cho vị trí thành viên của nước này trong EU. Đặc biệt là thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp vốn cần có thêm nhiều sự hỗ trợ từ EU.

Tại Pháp, tỷ lệ hoài nghi về EU trong dân chiếm trên 61% lớn nhất châu Âu. Cùng với Đức, Pháp là động lực của châu Âu, nhưng đất nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ nền kinh tế yếu kém và nguy cơ chủ nghĩa khủng bố cao. Căn nguyên của vài vấn đề được đổ lên đầu EU hay những điều kiện mà thành viên EU nêu ra.

Trong một diễn biến liên quan, mặc dù không nằm trong EU nhưng Mỹ cũng chịu phản ứng dây chuyền từ Brexit. Hiện bang Texas cũng đã kích hoạt trở lại kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về Texit (tách bang Texas ra khỏi Mỹ). Ông Daniel Miller, người đứng đầu chiến dịch Texit cho rằng với niềm cảm hứng từ Brexit thì giờ đến lúc người Texas “đấu tranh vì quyền trở thành một quốc gia tự trị”. Tuy nhiên vấn đề trên cũng chỉ là kêu gọi khó có thể triển khai.

Nhằm tìm giải pháp khắc phục hậu quả Brexit, mới đây Ngoại trưởng các nước thành viên Nhóm Visegrad (V4 - gồm Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan và Hungary) đã gặp gỡ Ngoại trưởng Đức và Pháp nhằm thảo luận hậu quả của Brexit và cấu trúc tương lai của EU. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Czech Lubomír Zaorálek nhấn mạnh việc Anh rời bỏ EU sẽ không làm đình trệ tiến trình phát triển của liên minh này.

Mặc dù lãnh đạo Liên minh châu Âu đều tuyên bố đầy tự tin EU sẽ không bị ảnh hưởng khi Brexit, nhưng giải pháp để đối phó với vấn đề này hiện vẫn là câu hỏi khó không chỉ đối với lãnh đạo Anh mà còn khiến cả giới chức EU đứng ngồi không yên. Bản thân các nước thành viên EU cũng đang chia rẽ gay gắt về việc cần phải hành xử như thế nào trong “cuộc chia ly” chưa từng có tiền lệ trong lịch sử khối EU này. Đâu là giải pháp vẹn toàn cho Brexit đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>