Phát huy hiệu quả kinh tế vườn

21/06/2016 | 06:06 GMT+7

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành A nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang chuyên canh cây ăn trái nên đã giúp cho kinh tế gia đình nhanh chóng được cải thiện. 

Nhiều nông dân huyện Châu Thành A trở thành nông dân sản xuất giỏi nhờ chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp hiệu quả.

Một trong những địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá hiệu quả trên địa bàn huyện Châu Thành A là xã Thạnh Xuân. Nổi bật là mô hình trồng cam xoàn, với mức thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm. Trước đây, vườn nhà ông Nguyễn Văn Do, ở ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, trồng các loại cây ăn trái như: xoài, cóc, sầu riêng. Tuy nhiên lợi nhuận mang lại thấp, phần vì ông chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, nhất là giá cả thị trường bấp bênh.

Vào năm 2008, sau khi phát hiện ra giá trị kinh tế cao từ cây cam xoàn, ông Do đã chọn nó làm cây trồng chính trong khu vườn của gia đình mình. Ông Do cho biết: “Cam xoàn rất thích hợp với vùng đất này, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì trồng khoảng 3 năm là cho trái. Đây là loại trái cây có hương vị ngọt ngon, dùng để ăn tươi nên giá cả, thị trường thường ổn định hơn các loại trái cây khác. Cho nên năm nào cũng vậy, vườn cam xoàn rộng 4 công đất đều mang về cho gia đình tôi khoản lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng”. Hiện tại, ông Do đã mở rộng diện tích trồng cam lên gần 1ha.

Chanh không hạt cũng là loại cây trồng đang cho nguồn thu nhập ổn định so với nhiều cây trồng khác ở huyện Châu Thành A. Trong 2 năm trở lại đây, một công chanh không hạt đã giúp cho nông dân ở xã Tân Phú Thạnh có được doanh thu từ vài chục đến 100 triệu đồng/năm. Hơn 1 năm nay, vườn chanh không hạt của hộ ông Võ Văn Sum, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Thạnh luôn cho thu nhập gấp cả chục lần so với làm lúa. Ông Sum hớn hở khoe: “Từ tết tới giờ, tôi đều rủng rỉnh hái chanh, thu tiền. Bình quân mỗi tuần, tôi kiếm được khoảng 6 triệu đồng từ tiền bán chanh. Cuộc sống vợ chồng tôi giờ đây an nhàn hơn trước rất nhiều”.

Cán bộ khuyến nông thuộc Tổ Kỹ thuật xã Tân Phú Thạnh Trần Hoàng Vũ cho biết: Hiện tại, diện tích đất vườn cây ăn trái của địa phương chiếm gần 500ha, trong đó đất trồng cam sành và chanh không hạt hơn 100ha (tăng khoảng 60ha so với 3 năm trước). Bây giờ, nông dân đang đẩy mạnh chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây có múi, nhiều nhất là chanh không hạt vì loại trái cây này thị trường đang tiêu thụ khá mạnh.

Giờ đây, chuyện tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cây trồng không còn xa lạ ở Châu Thành A. Chủ trương này đã và đang tạo nhiều hiệu ứng tốt trong nhân dân. Điều dễ nhận thấy nhất là số lượng hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện ngày càng tăng, góp phần lớn cho quá trình phát triển kinh tế địa phương. Ông Trần Hữu Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành A, nhận định: “Không ít bà con sau khi mạnh dạn cải tạo vườn tạp thành những vườn trái cây có múi chuyên canh như cam xoàn, chanh không hạt,… đã nhanh chóng cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, thông qua các câu lạc bộ, tổ đoàn kết tương trợ, tổ kinh tế hợp tác, hội nông dân các cấp đã nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp nông dân tiếp cận vốn để mở rộng mô hình, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, hiện nay, toàn huyện có trên 7.2000 nông dân sản xuất giỏi”.

Với việc triển khai thực hiện những chủ trương hợp lý của các cấp hội nông dân Châu Thành A, cùng với sự chủ động của người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, giúp người dân nông thôn trên địa bàn huyện nhanh chóng cải thiện cuộc sống gia đình.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>