Chủ động bảo vệ đàn gia cầm

17/06/2016 | 06:17 GMT+7

Thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện phát sinh và bùng phát dịch bệnh trên đàn gia cầm rất lớn. Do đó, nhiều hộ nuôi gia cầm tại huyện Vị Thủy đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh, quan sát những biểu hiện bất thường trên đàn gia cầm để có hướng xử lý kịp thời.

Hộ anh Võ Văn Minh luôn chủ động chăm sóc, phun thuốc sát trùng,khử độc để bảo vệ đàn gia cầm.

Gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng trên 20 năm, anh Võ Văn Minh, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, trải qua không ít lần lỗ vốn, trắng tay do dịch bệnh tấn công, vì vậy anh luôn chú trọng phòng bệnh trên đàn vịt của gia đình. Đặc biệt là tuân thủ chặt chẽ quy trình tiêm phòng các loại vắc-xin, cũng như vệ sinh chuồng trại định kỳ. Với số lượng nuôi từ 6.000-7.000 con vịt đẻ/đợt, anh càng chú ý chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vịt nhiều hơn. Anh Minh chia sẻ: “Hồi đó, mỗi lần có đợt tiêm vắc-xin cúm A/H5N1 là tôi giấu không cho tiêm vì nghe nói tiêm rồi vịt không đẻ được nên rất sợ. Bây giờ thì thoải mái vì đã hiểu được lợi ích của tiêm phòng, tới đợt không thấy tôi còn liên hệ với cán bộ thú y xã lên chích nữa”.

Không riêng gì anh Minh, mà đa phần các hộ chăn nuôi ở huyện Vị Thủy đã thường xuyên cập nhật thông tin trong chăn nuôi, chủ động tiêm vắc-xin phòng ngừa, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đặc biệt tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để đàn vật nuôi từng bước phát triển ổn định. Bên cạnh đó, các cơ sở ấp trứng gia cầm ở huyện đều tự trang bị phương tiện và chủ động phòng dịch để đảm bảo chất lượng con giống. Bà Lê Thị Kim Loan, chủ cơ sở ấp trứng gia cầm tại thị trấn Nàng Mau, nói: “Cứ 3 ngày là lò của tôi ấp khoảng 6.000 trứng nên phải quét dọn thường xuyên. Nửa tháng phải xịt thuốc sát trùng, rải vôi bột, khi chở đi phải liên hệ lực lượng thú y làm giấy kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng mới xuất trứng”.

Theo Trạm Thú y huyện Vị Thủy, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện gần 600.000 con, chủ yếu là vịt chạy đồng. Theo dự báo số lượng vịt tái đàn và chạy đồng trong, ngoài huyện đến sẽ tăng do đang vào thu hoạch rộ lúa Hè thu và nhiều hộ đang để lúa chét bán cho vịt mà không sản xuất lúa Thu đông. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Thú y huyện Vị Thủy, cho biết: “Đối với đàn vịt địa phương, trạm thú y cũng chỉ đạo rà soát, tiêm phòng những đàn tới hạn để làm sao đảm bảo miễn dịch trên địa bàn. Đối với những đàn ngoài tỉnh đến chạy đồng thì trạm cử đội kiểm dịch lưu động thường xuyên kiểm tra. Những đàn không đủ thủ tục thì sẽ kết hợp với chính quyền địa phương đuổi ra khỏi địa bàn”.

Đáng quan ngại là thời gian gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng một số gia cầm bị bệnh chết rải rác và nguyên nhân được xác định bệnh do thời tiết thay đổi. Một số hộ dân thiếu ý thức vứt xác gia cầm chết xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước và phát tán dịch bệnh. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Thú y huyện Vị Thủy, cho biết thêm: “Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, trạm kết hợp với chính quyền địa phương theo dõi chặt tình trạng vứt xác gia cầm bừa bãi. Nếu phát hiện sẽ tham mưu chính quyền địa phương giáo dục, nhắc nhở, còn nếu xảy ra thường xuyên sẽ có hình thức xử phạt theo quy định. Thực tế cho thấy, bên cạnh những giải pháp phòng chống dịch sẽ giúp nông dân có sự chuẩn bị và ứng phó kịp thời trước những tình huống xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi bản thân người chăn nuôi tuân thủ quy trình phòng bệnh nghiêm túc, có trách nhiệm với đàn gia cầm của mình”.

Bài, ảnh: THU HIỀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>