Tủ sách tư liệu lịch sử quý

15/06/2016 | 07:52 GMT+7

Công ty sách Dân Trí vừa phối hợp với NXB Khoa học xã hội ra mắt tủ sách Biên khảo - Sử liệu. Những quyển sách chọn ra mắt trong đợt này giúp mọi người tích góp thêm nhiều tư liệu lịch sử quý.

Tủ sách Biên khảo - Sử liệu ra đời được kỳ vọng mang đến những tác phẩm có giá trị, không chỉ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, mà còn giúp nhà nghiên cứu có được nguồn sử liệu quý phục vụ công việc chuyên môn, giúp độc giả tiếp cận những phương pháp nghiên cứu nghiêm túc, các nguồn sử liệu được tiếp cận một cách khách quan, khoa học. 4 quyển sách đầu tiên trong tủ sách này là “La Sơn phu tử” (của Hoàng Xuân Hãn), “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” (tác giả Alexandre de Rhodes, Nguyễn Khắc Xuyên dịch), “Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc” (của Lê Nguyễn) và “Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ” (từ thời khởi thủy đến năm 1945, do Trần Đức Cường chủ biên).

“La Sơn phu tử” là quyển sách viết về Nguyễn Thiếp, là một trong hai nhân vật trong lịch sử nước nhà được tôn hiệu là “phu tử”. Ông là một danh sĩ tài cao, đức trọng, ra làm quan thời nhiễu nhương của những năm 1786, nên quyết định từ quan, ở ẩn. Một giai đoạn lịch sử đầy biến động được dựng lên trước mắt bạn đọc, qua những con người điển hình trong hoàn cảnh điển hình, đã thể hiện sự thanh tao của một người có tài, nhưng thích sống ẩn cư vì ngán ngẫm thời cuộc. Còn “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” là quyển sách tác giả viết cho độc giả là những người châu Âu, cung cấp những tư liệu quý về tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội… và con người Việt Nam, cụ thể là ở Đàng Ngoài, khi có sự tiếp xúc với ngoại quốc. Cuốn sách mang đến cái nhìn khách quan về một dân tộc trong một giai đoạn lịch sử.

 Còn công trình nghiên cứu “Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ” (từ thời khởi thủy đến năm 1945) cũng đã được trao giải thưởng văn học Trần Văn Giàu vào năm 2015, thế nhưng ít người tìm đọc. Quyển sách lần lại các dấu tích khảo cổ địa chất, nhân chủng học từ thời tiền sử, để ghi lại quá trình khai phá, xác lập chủ quyền, xây dựng và phát triển vùng đất Nam bộ. Đây được xem là công trình cô đọng về Nam bộ thời tiền sử, sơ khởi; phân tích, làm sáng tỏ các vấn đề về văn hóa Óc Eo - Phù Nam…; lý giải khoa học, thuyết phục về khoảng trống sử liệu và lịch sử suốt 10 thế kỷ, từ thế kỷ VII đến XVII… Và quyển “Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc”, gồm 44 bài viết của tác giả Lê Nguyễn, trải dài trong khoảng thời gian 64 năm (1862-1926). Tác giả đã chọn lọc những sự kiện (hòa ước Nhâm Tuất, vụ sát hại Hoàng Hoa Thám, chuyến Bắc hành của Trương Vĩnh Ký), nhân vật (vua Triều Nguyễn đến Phan Thanh Giãn, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp) hay một hiện tượng lịch sử nổi bật để khai thác. Là cây bút chuyên viết lịch sử, Lê Nguyễn có cách viết nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng mạch lạc, đầy cảm xúc và dễ hiểu nhờ nguồn tư liệu phong phú, cách nhìn nhẹ nhàng, trung thực, khách quan và đầy trách nhiệm.

4 quyển sách trên chỉ là sự khởi đầu. Trong thời gian tới, những quyển sách tiếp theo sẽ được phát hành: “Lê mạt sự ký: sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ 18” của Nguyễn Duy Chính, “Những người châu Âu ở nước An Nam” (của Maybon), “Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài” (Lê Nguyễn), “Việt Nam thời Pháp đô hộ” (Nguyễn Thế Anh)…, sẽ tiếp tục là những quyển sách giúp ích trong quá trình học tập, nghiên cứu về lịch sử của mỗi người.

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>