Chủ động phòng bệnh đàn gia cầm

02/06/2016 | 08:15 GMT+7

Vài tuần nay, dịch bệnh theo mùa trên gia cầm đã bắt đầu xuất hiện rải rác ở một số địa phương và làm chết hàng trăm con gà. Trước tình hình này, công tác phòng, tránh bùng phát dịch bệnh nguy hiểm đã được các địa phương gấp rút triển khai thực hiện.

Công tác tiêm phòng và giám sát chặt các đàn vật nuôi được tăng cường ở các địa phương.

Tăng cường giám sát dịch bệnh

Ngay sau khi phát hiện 3 đàn gà chết bất thường với số lượng trên 900 con ở địa bàn xã Phụng Hiệp và Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, lực lượng thú y địa phương đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chuyên trách của tỉnh trực tiếp xuống địa bàn lấy mẫu bệnh phẩm để xác định chính xác nguyên nhân, hướng dẫn người dân xử lý kịp thời. Tuy nhiên, kết quả được cơ quan kiểm nghiệm Thú y Vùng VII công bố đều âm tính với vi-rút cúm A/H5N1 và dương tính với bệnh Newcastle (dịch tả gà). Điều này cho thấy ngoài bệnh cúm gia cầm, để chăn nuôi an toàn bà con cần chủ động phòng thêm một số bệnh thông thường, tránh nguy cơ thiệt hại không đáng có.

Thông tin từ Trạm Thú y huyện Phụng Hiệp, chủ của cả 3 đàn gà gặp phải sự cố đáng tiếc kể trên đều chấp hành tốt công tác tiêm phòng cúm gia cầm. Tuy nhiên, đối với các loại bệnh theo mùa thì chủ hộ chưa chủ động tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng trạm Thú y huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Trước tình hình này, chúng tôi càng phải tăng cường công tác phòng bệnh, nhất là tuyên truyền cho người dân chủ động tiêm ngừa thêm các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng… bởi thời điểm giao mùa này, sức đề kháng của gia cầm rất yếu là điều kiện để vi-rút tấn công dễ dàng”.

Còn tại huyện Long Mỹ, nơi trực tiếp chịu tác động nặng nề của thiên tai về hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, thời gian qua, quá trình chăn nuôi của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là tình trạng vịt chết rải rác do thiếu nước ngọt. Ngoài ra, sự tấn công của một số bệnh thông thường trên gà vịt như dịch tả, tụ huyết trùng đã làm việc chăn nuôi của bà con gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, Trạm Thú y huyện chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở tăng cường giám sát tổng đàn, nhất là các hộ chăn nuôi vịt nguy mô nhỏ, hướng đến việc tiêm phòng đồng bộ, không để bỏ sót ở những đàn nuôi mới.

Theo Trạm Thú y huyện Long Mỹ, nguồn vắc-xin Navet - Vifluvac được chuẩn bị xuyên suốt và phân bổ xuống các xã, đảm bảo thực hiện miễn dịch chặt chẽ cho các đàn gia cầm trên địa bàn. Trong tháng 5, cán bộ thú y cơ sở đã tiêm được trên 78.000 liều, với trên 25.000 con gà và gần 53.000 con vịt, tái chủng cho gần 29.000 con gia cầm. Mặt khác, trạm thú y còn tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương vận động các trường hợp thả nuôi thường xuyên, hộ nuôi mới và nhỏ lẻ thực hiện giữ vệ sinh môi trường chuồng trại, đồng thời triển khai giám sát chặt chẽ dịch bệnh trước và sau tiêm phòng.

Tập trung tiêu độc khử trùng

Là hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, với số lượng 200 con vịt, nhưng ông Nguyễn Minh Thông, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, rất chú trọng công tác phòng bệnh và giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi. Theo ông Thông, đây là nguồn đắp đổi qua ngày của gia đình nên phải cố gắng phòng bệnh kỹ lưỡng. Khi bắt vịt về nuôi khoảng trên 20 ngày, ông liền khai báo với thú y địa phương đến tiêm ngừa cúm theo thời gian khuyến cáo. Nhờ vậy, đàn gia cầm tăng khả năng miễn dịch, góp phần chăn nuôi hiệu quả hơn. “Dẫu nuôi nhiều hay ít cũng phải phòng bệnh là chính, chứ gặp trục trặc sẽ tốn kém nhiều hơn. Chưa kể là nếu người ta nghe thông tin đàn vịt mình từng bị bệnh thì sau này khó bán ra. Đợi vài ngày nữa tôi sẽ tiêm thêm thuốc ngừa dịch tả vì bệnh này cũng rất nguy hiểm”, ông Thông chia sẻ.

Ông Phạm Văn Chính, Phó Trưởng trạm Thú y huyện Long Mỹ, cho biết: “Chỉ còn công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi là chúng tôi chưa thực hiện, bởi còn phụ thuộc vào nguồn dung dịch khử trùng chưa được tỉnh phân bổ về. Trong khi đó, công tác kiểm tra tiêm phòng, vệ sinh thú y, kiểm soát vận chuyển không chỉ tập trung thực hiện vào những tháng cao điểm mà còn được chúng tôi quan tâm triển khai thường xuyên”.

Trước những tác động của thiên tai, hạn hán đến ngành chăn nuôi và sự thay đổi của thời tiết hơn tuần qua, ngành thú y các cấp khuyến cáo người dân cần chăm sóc kỹ đàn vật nuôi, giữ vệ sinh thông thoáng chuồng trại, tiêm phòng đúng lịch quy định. Đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai kế hoạch tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn Hậu Giang. Dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 4 đến đầu tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, do chưa được cấp kinh phí nên công tác này vẫn chưa thể thực hiện đồng bộ.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Các địa phương phải sử dụng nguồn dung dịch dự trữ để tiêu độc khử trùng. Thế nhưng, nguồn này không đủ đáp ứng nhu cầu ở các địa phương, thậm chí một số nơi đã không còn thuốc. Vì thế, kế hoạch thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi bị chậm lại so với dự kiến ban đầu và công tác phun khử trùng sẽ được chỉ đạo thực hiện ngay sau khi có kinh phí. Hiện, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương, chúng tôi chỉ còn chờ Sở Tài chính chuyển kinh phí là mua dung dịch khử trùng cung ứng cho các địa phương”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>