Thay đổi biện pháp quản lý giá sữa

31/05/2016 | 13:43 GMT+7

Đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét dỡ bỏ giá trần đối với sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ đầu tháng 7 tới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quản lý bằng khống chế giá trần là không phù hợp. Tuy nhiên, cần có biện pháp quản lý khác để đảm bảo thị trường sữa phát triển ổn định và lành mạnh hơn.

Áp trần nhưng giá vẫn cao

Nhìn lại những năm qua, thị trường sữa luôn trong tình trạng loạn giá, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao hơn giá nhập rất nhiều và người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Quy định áp giá trần sữa trẻ em được áp dụng từ 1/6/2014 và theo kế hoạch sẽ kéo dài đến 31/12/2016. Sau khi áp dụng giá trần, giá sữa đã bớt “nhảy múa” so với thời điểm trước đó đã giúp người tiêu dùng phần nào yên tâm. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2015, đã có khoảng 800 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá trần.

Người tiêu dùng mong muốn có giải pháp quản lý không để giá sữa “nhảy múa” liên tục. Ảnh: Hoàng Tuyết

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng việc quản lý giá sữa vẫn chưa hiệu quả. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp (DN) sữa “kêu ca” doanh số và lợi nhuận bị sụt giảm nghiêm trọng vì giá trần. Nhưng trong suốt 2 năm áp dụng giá trần vừa qua, các nhà sản xuất chưa từng hạ giá bán dù trong thời gian này, giá sữa nguyên liệu giảm mạnh, đặc biệt trong năm 2015. Hơn nữa, giá sữa ở Việt Nam hiện vẫn khá cao so với các nước trong khu vực. Tính bình quân, một kg sữa cho trẻ dưới 6 tuổi ở Việt Nam bán với giá khoảng 16 USD, trong khi Thái Lan 14 USD, Philippines 12,9 USD... Điều đó cho thấy, dù đã có giá trần nhưng các DN vẫn có lãi chứ không đến mức khó khăn như họ vẫn kêu ca. Biện pháp áp giá trần chưa đủ mạnh để buộc các DN giảm giá sát với chi phí thực tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc áp trần giá sữa vẫn có nhiều điểm bất cập. Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), phân tích sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi hiện nay là các sản phẩm công thức nên mỗi nhà sản xuất pha chế với hàm lượng vi chất rất khác nhau cho từng sản phẩm, thị trường khác nhau. Chi phí sản xuất thế nào thì chỉ có DN rõ. Bộ Tài chính không nắm được chi phí này mà chỉ áp giá trần cơ học là chưa hợp lý.

Chuyên gia này cho biết, việc bỏ quy định trần giá sữa là phù hợp với tình hình kinh tế thị trường. Tuy nhiên, khi bỏ trần, các nhà quản lý cũng cần xem xét kĩ các vấn đề như giá trên thị trường có cạnh tranh minh bạch hay không, loại sữa mới nào sẽ vào thị trường trong nước, có xảy ra tình trạng độc quyền nhóm hay không…

Cần quản lý từ giá đầu vào

Sau khi có thông tin về việc dỡ trần giá sữa trẻ em sớm hơn dự kiến 6 tháng, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các bà mẹ nuôi con nhỏ đang lo lắng về đợt tăng giá sữa mới.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết mỗi tháng phải chi một khoản tiền từ 2 - 3 triệu đồng cho việc mua sữa công thức cho cô con gái 2 tuổi. Chị Vân lo lắng: “Nếu sữa tăng giá sau khi gỡ bỏ giá trần thì chi tiêu trong gia đình tôi cũng sẽ bị đẩy lên, trong khi đó lương công chức Nhà nước chưa tăng, cuộc sống gia đình tôi sẽ khó khăn hơn”.

Điều mà người tiêu dùng mong muốn là Bộ Tài chính nhanh chóng có biện pháp quản lý giá sữa sau khi dỡ bỏ giá trần. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, biện pháp hành chính để quản lý giá sữa chỉ là biện pháp cuối cùng và hiệu quả rất thấp. Giá trần áp dụng đối với trẻ dưới 6 tuổi nên chỉ quản lý được khoảng 20% các loại sữa trên thị trường, còn các loại sữa khác như sữa cho người gầy, người già ốm… lại không được quản lý. Do đó, ông Phú cho rằng cần dỡ trần để thị trường cạnh tranh bình đẳng, đồng thời với đó, Nhà nước có biện pháp quản lý giá sữa từ gốc.

“Đối với sữa nội, cần có cơ chế chính sách để DN trong nước vươn lên phát triển, cạnh tranh được với sữa ngoại. Hiện nay sữa bột của ta còn yếu, ta phải nhập đến 70% sữa bột để làm sữa hoàn nguyên. Còn đối với các DN nhập khẩu sữa ngoại, cơ quan quản lý phải nắm được giá đầu vào. Hiện nay quản lý mặt hàng sữa mà không có đủ thông tin về giá nhập khẩu, chi phí sản xuất… thì không thể hiệu quả. Muốn làm được điều này, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hải quan và cơ quan thuế”, ông Phú kiến nghị.

Một giải pháp khác cũng được ông Phú gợi ý, đó là các tổng công ty thương mại nhà nước với tiềm lực về tài chính và hệ thống phân phối, nên tham gia vào việc nhập khẩu sữa chứ không chỉ “làm thuê” cho các DN nhập khẩu. Nếu làm được điều này thì có thể quản lý được giá sữa từ gốc.

Liên quan đến lo ngại của người tiêu dùng về việc có thể xảy ra đợt tăng giá mới, ông Ngô Trí Long cho rằng, khó có thể xảy ra tình trạng tăng giá sữa đồng loạt sau khi bỏ trần. Lý do là DN vẫn phải kê khai đăng ký giá với cơ quan quản lý. Nếu chỉ một DN nào đó cố tình lợi dụng để tăng giá trong khi các hãng khác không tăng, chắc chắn sản phẩm đó sẽ bị tẩy chay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong cuộc gặp đại diện Thương mại Mỹ cũng đặt ra yêu cầu việc bỏ trần giá sữa vẫn phải đảm bảo cạnh tranh, hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và người tiêu dùng. Các DN muốn dỡ giá trần phải đảm bảo sự minh bạch và chứng minh điều đó. Nhưng để kiểm soát được thị trường sữa, không thể trông chờ vào sự tự giác của DN mà các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực giám sát của mình.

 

Theo Hoàng Dương - Hoàng Tuyết/baotintuc.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>