Venezuela khủng hoảng toàn diện

31/05/2016 | 07:00 GMT+7

Công chức đi làm 2 ngày/tuần, một ổ bánh mì giá 170 USD, cướp bóc hoành hành khắp nơi, biểu tình liên tục nổ ra... là bức tranh ảm đạm của Venezuela hiện nay. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng của quốc gia Nam Mỹ này.

Hàng ngàn người biểu tình tràn vào trung tâm thủ đô Caracas. Ảnh: REUTERS

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng ở Venezuala, nhưng có hai nguyên nhân chính là giá dầu xuống thấp và đấu tranh giữa các phe đối lập đã làm cho quốc gia Nam Mỹ này rơi vào cảnh bi đát như hiện nay.

Trước tiên ở lĩnh vực kinh tế, Venezuela là một trong số 10 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, chiếm trên 1/3 GDP nước này. Cho nên việc giá dầu xuống thấp cùng các chính sách chi tiêu công mạnh tay nhiều năm qua đã khiến ngân sách của Venezuela cạn kiệt. Venezuela đang thiếu tiền để nhập khẩu nguyên liệu thô, khiến cả nền sản xuất đình đốn. Chính phủ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Một trong những biểu hiện khó tin nhất về cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela là công chức nhà nước chỉ phải đi làm 2 ngày/tuần để tiết kiệm điện. Tỷ giá ngoại tệ trên thị trường chợ đen chênh lệch với tỷ giá niêm yết của nhà nước 1.000 lần và giá 1 ổ bánh mì lên tới 170 USD. Theo đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát của Venezuela được dự báo là sẽ tăng 481% trong năm nay và sẽ lên 1.642% trong năm tới. Có thể nói, khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân dẫn đến sự mất ổn định chính trị, xã hội.

Về chính trị, các phe đối lập ở Venezuela hiện đang tranh giành quyền lực lẫn nhau một cách quyết liệt mang tính sống còn, từ đó dẫn đến quyết tâm triệt tiêu lẫn nhau. Theo đó, Liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD), phe đối lập với chính phủ (hiện chiếm đa số ghế tại Quốc hội nước này), đã và đang tìm mọi cách kể cả thu thập gần 2 triệu chữ ký của cử tri trình Ủy ban bầu cử quốc gia (CNE) để yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý với quyết tâm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại vì bị nghi ngờ gian lận. Tiếp sau đó là vận động biểu tình liên tục nhằm phản đối chính phủ và lật đổ Tổng thống. Còn phe chính phủ, đang tăng cường sức mạnh quân sự (quân đội Venezuela hiện là lực lượng trung thành với chính phủ) nhằm trấn áp thế lực của phe đối lập và đảm bảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia trước nguy cơ ngoại xâm. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro kêu gọi Lực lượng vũ trang quốc gia sẵn sàng đối đầu và đánh bại một cuộc chiến tranh phi truyền thống chống lại nước này, như chiến tranh kinh tế do giới tư bản tiến hành hay cuộc chiến của các băng nhóm quân sự bán vũ trang gây rối an ninh trật tự. Theo đó, binh sĩ đã được triển khai tại 7 Khu vực phòng thủ chiến lược toàn diện (REDI) và 24 Khu vực tác chiến quân sự toàn diện (ZODI). Mới đây, quân đội nước này cũng đã diễn tập trong 2 ngày với sự tham gia của 519.000 binh sĩ thuộc các lực lượng không quân, hải quân, bộ binh cùng 1.500 dân quân nhằm củng cố năng lực tác chiến cũng như đẩy mạnh thực thi các kế hoạch quân sự nhằm mục đích để trấn áp lực lượng đối lập trong nước và nguy cơ chống phá của các thế lực thù địch bên ngoài tìm cách lật đổ chính phủ.

Từ những bất ổn về kinh tế, chính trị đã đẩy quốc gia Nam Mỹ này rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng như hiện nay.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon mới đây đã kêu gọi Chính phủ Venezuela và phe đối lập đối thoại chính trị nhằm tìm ra hướng giải quyết cho những thách thức hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này với sự trung gian của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR). Trong một động thái liên quan, UNASUR khẳng định đối thoại hòa bình là phương thức duy nhất để giải quyết khủng hoảng, bình ổn tình hình chính trị và khắc phục những khó khăn kinh tế ở Venezuela. UNASUR cũng lưu ý tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền, độc lập và quyền tự quyết của mỗi dân tộc.

Mặc dù cả Liên Hiệp Quốc và UNASUR đều lên tiếng kêu gọi các bên liên quan ở Venezuela đối thoại để tìm ra giải pháp chính trị nhằm ổn định kinh tế và các dự án an sinh xã hội cho quốc gia Nam Mỹ nhưng đến nay các phe đối lập vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Điều này đồng nghĩa cuộc khủng hoảng ở Venezuela vẫn chưa có hồi kết.

Venezuela là một trong những quốc gia bạo lực nhất trên thế giới trong tình trạng không chiến tranh, với trên 100.000 người dân bị thương vong vào năm ngoái. Tuy nhiên, Tổ chức phi chính phủ Giám sát Bạo lực Venezuela cho rằng tỷ lệ này trên thực tế còn cao hơn nhiều.                                                                      

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>