Bài học từ thiên tai phức tạp

Bài 2: Di chứng hạn, mặn

31/05/2016 | 06:55 GMT+7

Các đợt hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt liên tiếp diễn ra trong mấy tháng mùa khô vừa qua đã để lại nhiều di chứng cho tỉnh thuần nông Hậu Giang.

Hàng trăm héc-ta đất canh tác của người dân xã Vĩnh Viễn A chưa thể xuống giống lúa Hè thu vì xâm nhập mặn kéo dài. 

Bước vào giai đoạn lối mùng của tháng 5 này, tỉnh Hậu Giang lại chính thức công bố thiên tai xâm nhập mặn cấp độ I đối với huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ. Như vậy, cùng lúc có đến 4 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, bao gồm cả huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đều phải công bố thiên tai do xâm nhập mặn gây ra.

Mất dần sự sống

Khi ấy, nguồn nước ở một số nhánh sông, kênh rạch lớn chảy qua địa bàn các huyện, thị xã, thành phố kể trên không còn là chỗ nương nhờ đối với một số loài thực vật bản địa quen thuộc. Từng mảng lục bình chết khô liên tục trôi dạt giữa dòng nước trong veo làm cho 1.400 hộ sống dựa vào nghề đan đát lục bình bị mất nguồn thu nhập. Chưa kể là diện tích cả ngàn héc-ta thả nuôi thủy sản buộc phải “treo ao”. Nhiều nơi trên đồng, lúa Hè thu cũng mất dần sự sống, khi mặt ruộng khô cằn, nứt nẻ khắp nơi vì thiếu nước tưới trầm trọng.

Ngồi thẫn thờ giữa đám lúa đang héo tàn trước làn gió khô khốc vào thời điểm mà tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt nhất tại địa phương, anh Nguyễn Hoàng Lâm, ở ấp 2, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, buồn bã nói: “Mọi năm, nước mặn xâm nhập vài ngày đã rút, còn năm nay kéo dài lạ thường. Biết vậy, tôi không nên vội vã xuống giống sớm làm gì. Kiểu này, dù cho mưa xuống, nước mặn dưới hệ thống kênh tạo nguồn, nội đồng xung quanh thoát hết ra ngoài cũng vô phương cứu chữa, bởi lúa ngoài ruộng đã chết hơn 70% rồi”.

Tính sơ sơ khoản chi phí làm đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu thì gia đình anh Lâm đã tiêu tốn cả chục triệu đồng. “Cũng may là lúa ở giai đoạn mạ, nước mặn mới ập vào nên thiệt hại về chi phí tương đối thấp. Chứ nhiều hộ tại một số địa bàn lân cận đã trắng tay hoàn toàn vì mặn xâm nhập quá bất ngờ và liên tục kéo dài trong nhiều ngày. Giống như trường hợp của chị Hai tôi (bà Đỗ Thị Phiên - PV), ở ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, lúa sắp trổ đều rồi mà còn bị mất trắng. Nói chung, hễ ai xuống giống càng sớm sẽ bị thiệt hại và thua lỗ càng nặng”, anh Lâm than vãn.

Ruộng, vườn khát nước

Mấy ngày gần đây, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa “vàng” giải nhiệt, tuy nhiên vẫn chưa thể xua tan hết nước mặn kéo dài bấy lâu nay. Dẫn lối ra vườn quýt đường rộng chưa đầy 0,5ha cặp con lộ nông thôn, cũng chính là bờ bao chạy dọc theo tuyến kênh Thanh Thủy khi cơn mưa lâm râm vừa ngớt hạt, bà Võ Thị Uyên, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, khẳng định: “Gia đình tôi trông mưa từng ngày, vì chỉ có mưa mới giải khát cho vườn cây ăn trái vốn đã bị hạn, mặn uy hiếp suốt mấy tháng nay”.

Lúc này, phần lớn cây, trái ngoài vườn của bà Uyên đang có biểu hiện suy kiệt như: cây đâm tược ít, lá teo tóp, thậm chí ngả vàng, trái nhỏ và dễ rụng. Vậy mà hộ bà Uyên nằm trong số ít hộ có vườn cây ăn trái ở bên ngoài khu vực cống ngăn mặn Thanh Thủy bị ảnh hưởng thấp nhất tại địa phương. Một phần là nhờ bà tận dụng mọi giải pháp để có được nguồn nước ngọt quý giá bơm vào mương vườn thông qua giếng khoan cá nhân, đồng thời tiết kiệm tối đa nguồn nước bằng cách tưới cầm chừng trong thời điểm hạn, mặn bủa vây.

Cách cống ngăn mặn Thanh Thủy chừng 1km, hàng loạt diện tích đất canh tác lúa tại địa phương vẫn đang nằm phơi gốc rạ. Chỉ tay theo hướng con kênh chạy dài bên bờ ruộng nứt nẻ, anh Võ Như Hiện, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, lý giải: “Nước dưới kênh chỉ dùng để rửa tay, chân thôi chứ không dám bơm lên đồng vì đã nhiễm mặn trên 2%o. Do đó, mảnh ruộng rộng 1,3ha của gia đình tôi buộc phải bỏ phế suốt 2 tháng qua”.

Thực ra, hạn, mặn kéo dài nên từ ngày thu hoạch xong lúa Đông xuân 2015-2016 đến nay, anh Hiện chỉ còn cách là tận dụng thời gian nhàn rỗi, tranh thủ ra đồng đắp bờ, sửa chữa mặt ruộng và ngày đêm mong sao mùa mưa thực sự bắt đầu để bắt tay gieo sạ vụ lúa Hè thu càng sớm càng tốt. Bởi theo anh Hiện, xuống giống trễ thường đối mặt với nguy cơ mất mùa cao. Nguyên nhân là đến lúc lúa chín sẽ rơi vào thời điểm mưa dầm nên rất dễ đổ ngã, dẫn đến tốn hao nhiều chi phí, thất thoát lớn, bán mức giá thấp do thu hoạch thủ công.

“Vài đám mưa xuất hiện trong thời gian qua phần nào làm giảm bớt đi sự khô cằn trên mặt ruộng nhưng chưa ai dám mạo hiểm làm đất gieo sạ. Có chăng là mưa tầm tã liên tục nhiều ngày xổ hết phèn, mặn ra ngoài thì chúng tôi mới yên tâm xuống giống lúa Hè thu”, anh Hiện phân bua giữa tiết trời chiều dần dịu mát. 

Trong số hàng trăm héc-ta lúa Hè thu ngoài cánh đồng ở huyện Long Mỹ đã chết, có không ít diện tích do người dân vô tình bơm phải nước mặn với nồng độ vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần lên ruộng. Từ đó, đã gián tiếp để mặn ngấm vào đất canh tác nên phải mất nhiều năm sau mới cải tạo lại được sự phì nhiêu, màu mỡ như bình thường.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYỄN

-------------

Bài 3: Tính chuyện sống chung với thiên tai

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>