Bài học từ thiên tai phức tạp

Bài 1: Những diễn biến bất thường

29/05/2016 | 16:39 GMT+7

Hạn, mặn trong mùa khô năm nay diễn biến gay gắt trên địa bàn tỉnh được xem là một đợt thiên tai bất thường, khi tỉnh phải công bố thiên tai xâm nhập mặn cấp độ I ở 4 đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Hạn, mặn dai dẳng hàng tháng gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống và sản xuất của người dân Hậu Giang.

Vườn trái cây của nhà ông Nhớ có biểu hiện suy kiệt do ảnh hưởng bởi hạn, mặn kéo dài vừa qua.

Từ khu vực đầu nguồn cho đến địa bàn vùng trũng của tỉnh, đi đâu cũng nghe dư luận bàn tán xôn xao về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra bất thường trong những tháng mùa khô.

Vào thời điểm cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 5 vừa qua, không ít xã vùng ven huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh bị nước mặn uy hiếp nghiêm trọng. Lần đầu tiên, nước mặn áp sát thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, đồng thời tấn công đến một số khu vực thuộc các phường trung tâm thị xã Long Mỹ.

Chưa có tiền lệ

Có nơi, nước mặn đã lấn sâu vào đất liền, với nồng độ lên đến 18-19%o. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, đồng thời chưa có tiền lệ đối với một tỉnh thuộc vùng Tây sông Hậu, đặc biệt là hoàn toàn không tiếp giáp biển như Hậu Giang. Tuy đã được các chuyên gia, cơ quan chuyên môn trong và ngoài tỉnh cảnh báo trước, nhưng vì nồng độ mặn gia tăng đột biến nên người dân khó tránh khỏi tâm lý băn khoăn, lo lắng.

Năm nay, bà Nguyễn Thị Xem (ở ấp 2, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ) bước sang tuổi 62, song bà mới chứng kiến hiện tượng bất thường xảy ra tại mảnh đất mà mình sinh sống bấy lâu. Trên bờ nắng nóng rát da, nguồn nước dưới kênh Lương Hòa chảy qua phía trước nhà nếm vào mặn tê cả đầu lưỡi đã kéo dài hơn 1 tháng. Do đó, vấn đề nước tưới cho cây trồng, kể cả phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình đều lệ thuộc vào giếng khoan cá nhân. “Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu nắng nóng, nồng độ mặn cứ tiếp tục gay gắt thế này thêm vài tháng nữa thì liệu cuộc sống người dân sẽ ra sao khi đất đai khô cằn, cây không thể sinh trưởng nổi”, bà Xem ngồi chỉ tay về phía mấy trái điều teo tóp mới vừa được hái vô để trên bàn gỗ đặt bên mái hiên lợp lá liền kề căn nhà tường cấp 4 giữa trưa oi bức than vãn. 

Bà Xem cho biết kênh Lương Hòa kết nối với tuyến kênh Long Mỹ 2, một hướng chảy về trung tâm xã Lương Tâm, hướng kia chảy đến xã Xà Phiên. Chẳng biết là vào thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, nồng độ mặn còn bao nhiêu, chứ theo cảm quan nhận thấy nó vẫn ở mức khá cao, khi lục bình chết khô, nguồn nước kênh Lương Hòa trong veo, có thể nhìn tận đáy.

Hướng mắt ra tuyến kênh Lương Hòa, bà Xem bày tỏ: “Hồi trước, thường vào giai đoạn cao điểm tháng 3 âm lịch hàng năm, nước dưới kênh lờ lợ vài ngày thì hết. Cho nên 5-6 năm nay, người dân nơi đây mới dám chuyển đổi đất trồng tràm, khóm sang canh tác 3 vụ lúa. Thế mà, chẳng biết sao, năm nay mặn tràn vô rồi ở mãi không rút”.

Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn Trung ương và địa phương dự báo hạn, mặn gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 6 tới đây. Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, khẳng định: Năm nay, mặn về sớm hơn cùng kỳ khoảng 1 tháng, còn nồng độ vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần đối với cây trồng. Cụ thể như vào thời điểm đầu tháng 2, nồng độ mặn xâm nhập đã lên đến 10-12%o, con số này chỉ xuất hiện vào khoảng tháng 4 hàng năm.

Không kịp trở tay 

Cũng theo ông Đại, điều khiến các cơ quan chuyên môn tỉnh lo lắng là nếu như những năm trước, mặn chỉ xâm nhập theo hướng Biển Tây, ảnh hưởng chủ yếu ở địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh thì năm nay, mặn còn xâm nhập từ hướng Biển Đông. Vì thế, lần đầu tiên, mặn tấn công đến huyện đầu nguồn Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, gây nhiều lo lắng cho người dân, lẫn chính quyền địa phương.

Những ngày gần đây, nồng độ mặn trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, đoạn qua địa bàn xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp nằm ở ngưỡng cho phép nên không có khả năng gây hại đến cây trồng, vật nuôi. Nhưng không vì thế mà người dân địa phương mất cảnh giác, khi họ đều nhận thức phải chủ động ứng phó ngay từ đầu mới kịp thời bảo vệ được ruộng, vườn của gia đình trước biến động khó lường của thiên tai.

Đơn giản là vì hạn, mặn bây giờ luôn diễn ra nhanh chóng, thất thường và chẳng còn tuân theo quy luật tự nhiên nữa. Bằng chứng là nước mặn đột ngột tấn công vào nội đồng ngay chiều 29 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (nhằm ngày 7-2) vừa rồi, hay đợt mặn xâm nhập bất thường vào thời điểm giữa mùa mưa năm ngoái. Nhắc lại thời khắc bất ngờ đó, hầu hết cư dân sinh sống cốt cụ trên địa bàn xã Phương Phú như ông Lê Văn Nhớ, ở ấp Phương Thạnh, phải thừa nhận rằng: “Chúng tôi chẳng thể nào trở tay kịp nếu như không có sự chuẩn bị cống, bọng ngăn mặn, trữ ngọt ngay từ đầu”.

Hiện 2ha cam xoàn, quýt đường khoảng chục năm tuổi của gia đình ông Nhớ đang có biểu hiện suy kiệt do ảnh hưởng bởi tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, xâm nhập mặn bủa vây và vẫn có nguy cơ đe dọa vườn cây ăn trái bất cứ lúc nào. Ông Nhớ chia sẻ: “Từ hồi tôi biết tới giờ, chưa khi nào 29, hoặc 30 tết mà nghe nói nước mặn xâm nhập sâu vào địa bàn huyện Phụng Hiệp. Thế mà năm nay đã xuất hiện rồi”.

Còn ông Nguyễn Văn Trà, ở ấp Phương Bình, xã Phương Phú, cho rằng: Người dân nơi đây chỉ được biết đến mặn từ năm rồi, nhưng lạ ở chỗ là thời điểm đầu tháng 2 năm nay, mặn đã về. Nghe phong phanh thì nồng độ vượt mức 2%o. Hướng đi cũng khó hiểu, thay vì từ tỉnh Bạc Liêu qua phường Trà Lồng (thị xã Long Mỹ) thì bỗng nhiên nước mặn di chuyển từ thị xã Ngã Bảy lấn sang thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp) trước khi tiến sâu vào địa bàn xã. “May là gia đình đã chuẩn bị sẵn cống, bọng riêng nên khi hay tin có nước mặn tràn về là tôi đóng kín nắp lại liền. Nhờ vậy mà vườn cam, quýt đang cho trái không bị thiệt hại trong đợt xâm nhập mặn bất thường trong những tháng mùa khô vừa qua”, ông Trà chia sẻ.

Mặn xâm nhập gần hết địa bàn Hậu Giang

Do tác động bởi hiện tượng El Nino gây nắng nóng kéo dài, kết hợp với lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Cửu Long suy giảm nghiêm trọng nên đã và đang khiến cho tình trạng hạn hán dai dẳng, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, nước mặn từ Biển Đông và Biển Tây theo 4 hướng đã xâm nhập gần hết địa bàn Hậu Giang.

Đáng nói là từ thời điểm cuối tháng 3 đến nay, mặn theo hướng Biển Tây, với nồng độ dao động ở mức 10-19,7%o đã xâm nhập sâu vào hệ thống sông, kênh rạch chảy qua khu vực huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, có thời gian kéo dài hơn 1 tháng. Chưa kể là trước đó, 2 đợt xâm nhập mặn bất ngờ đã diễn ra vào ngày 26-1; 7-2 (nhằm ngày 29 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016), với nồng độ tăng cao ngất ngưởng so với thời điểm cùng kỳ.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>