Nhọc nhằn mùa mưa

29/05/2016 | 16:30 GMT+7

Vì cuộc sống mưu sinh, nên dẫu có mưa nặng hạt mấy ngày qua, vẫn có nhiều người dầm mưa làm công việc của mình.

Trời mưa, công việc chạy xe ôm của ông Hoàng vất vả hơn.

Mặc cho nước mưa làm bộ quần áo trên người ướt sũng, bà Bành Thị Ngọc, ở phường III, thành phố Vị Thanh, vẫn cặm cụi đi bán từng tờ vé số. Mấy ngày mưa, xấp vé số được bà bọc trong túi ni-lông cẩn thận. Mùa mưa tới, mẹ con bà Ngọc phải đi nhiều hơn. Bà cũng không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu con đường, bao nhiêu hẻm trong những ngày mưa gió, chỉ biết là đi nhiều lắm! “Chú ơi, cô ơi mua vé số tiếp đi chú, đi cô”, tiếng mời mọc đôi lúc bị tiếng mưa lấn át… “Trời mưa cả ngày thì bán được ít lắm. Mưa lớn mà bán lời được vài ba chục ngàn là mừng dữ lắm rồi”, bà Ngọc nói.

Gia đình bà không ruộng nương, mọi thu nhập gia đình đều phụ thuộc vào số tiền bán vé số hàng ngày của bà và người con trai. Ngày nào bán đắt thì hai mẹ con cũng kiếm được 100.000 đồng, còn những ngày mưa ế ẩm chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng. Đôi mắt đượm buồn, bà Ngọc trầm ngâm: “Dù biết trời mưa bán không được bao nhiêu đâu, nhưng nghèo khổ nên ráng mà làm, nếu trời mưa mà nghỉ thì lấy gì mà ăn. Mà thiệt là nhiều khi thấy mưa lớn tôi cũng muốn ở nhà, mẹ con ngồi luộc khoai lang ăn cho ấm”.

Không riêng những người bán vé số, bán hàng rong, nhiều bác “tài xế”… xe ôm cũng phải dầm mưa vì cuộc mưu sinh. Mùa mưa đến, họ phải cắn răng vượt qua cái lạnh để ngồi đợi khách, nhưng có khi cả buổi cũng không kiếm được đồng nào. Ngồi co ro ở góc đường 3 Tháng 2, phường V, thành phố Vị Thanh, ông Trần Văn Hoàng, ở phường VII, chia sẻ: “Tôi làm nghề chạy xe ôm cũng trên 20 năm rồi, tháng nắng còn đỡ, chứ vào tháng mưa như thế này đành chịu”. Dẫu biết, những ngày mưa chạy xe không được bao nhiêu, nhưng ông Hoàng vẫn kiên trì ngồi đợi, vì đó là cuộc sống, là cái nghề của ông.

Nhà ông Hoàng có 2 công ruộng, mùa thất mùa trúng, nên thu nhập bấp bênh, số tiền chạy xe ôm để lo chi tiêu trong gia đình hàng ngày. Ngước mắt nhìn bầu trời đặc quánh mây đen, ông Hoàng nói: “Bây giờ mà được ở nhà ngủ thì “sướng” biết mấy”. Nói vậy thôi, nhưng trong ánh mắt ông hiện lên nỗi buồn khó tả, bởi ông biết rằng bữa cơm gia đình chiều nay đạm bạc hay đầy đủ là nhờ vào những cuốc xe của ông…

Cứ đến mùa mưa, hình ảnh các bà, các mẹ dầm mưa mua gánh bán bưng đã trở nên quen thuộc. Mấy ngày mưa dầm, bà Phạm Thị Tính, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đều đặn đẩy xe khắp các tuyến đường để bán con cá, mớ rau… Chậm rãi nhấc đôi chân đã mệt nhoài, bà Tính cố gắng đẩy chiếc xe bán hàng về phía trước, chốc chốc bà dừng xe lại xoa đôi bàn tay vì lạnh. Khuôn mặt ướt đẫm nước mưa, đôi môi run lên vì lạnh, bà Tính chia sẻ: “Nghề này vất vả thì đành rồi, mỗi ngày phải đẩy xe đi hàng chục cây số để bán các loại rau, củ, trứng, thịt, cá. Mùa nắng thì còn đỡ, chứ những ngày mưa vất vả lắm, có khi đẩy cả cây số chẳng có người nào mua. Những ngày như thế, có khi chúng tôi phải đẩy đi bán từ sáng đến chiều mới về nhà. Thế mà có ngày bán ế, như bữa nay, phải đem về nhà, vậy là lỗ cả vốn”. Hàng ngày, vợ chồng bà phải dậy từ 3 giờ sáng đi chợ sớm lựa rau, thịt, cá để lên xe rồi đẩy đi bán. Ngày nào bán đắt thì trưa còn được về nhà nghỉ ngơi, còn những ngày bán chậm, đặc biệt là những tháng mưa gió thì hầu như cả ngày bà Tính phải đẩy xe đi nhiều hơn, chỉ mong bán được chút nào đỡ chút ấy…

Mưa vẫn nặng hạt, trời vẫn âm u và những người như bà Ngọc, ông Hoàng, ông Tính vẫn miệt mài với công việc của mình, đơn giản vì đó là cả cuộc sống của họ…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>