Nỗi niềm công nhân

27/05/2016 | 09:06 GMT+7

Không ruộng nương, trình độ học vấn thấp nên nhiều công nhân không thể lựa chọn công việc cho mình.

Đi làm nấu cơm mang theo !

Nhiều công nhân chia sẻ rằng, mức thu nhập do những người chủ trả chưa xứng với công sức họ bỏ ra. Gần 7 năm gắn bó với công việc làm gạch ở Nhà máy gạch Tuynen 586 Hậu Giang (Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh), mức lương của bà Trần Thị Thủy, ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy là 3 triệu đồng/tháng. Nhanh tay xếp những viên gạch chuẩn bị nung, bà Thủy bộc bạch: “Làm ở đây tính lương theo sản phẩm, ai làm nhiều thì hưởng nhiều. Tháng nắng thì tôi làm cũng được hơn 3 triệu đồng/tháng, còn những tháng mưa gạch phơi lâu khô nên chỉ được chừng 2 triệu đồng thôi”.

Vì trình độ và tuổi tác, nhiều công nhân không thể lựa chọn công việc cho mình.

Cách đây 2 năm, chồng bà Thủy là ông Lê Văn Vĩnh cũng xin vào làm ở nhà máy. Ông Vĩnh chia sẻ: “Gia đình chúng tôi không có ruộng nương, nên được công việc làm là mừng lắm rồi, nhưng nhiều lúc cũng lo lắm…”. Với 1.000 viên gạch xếp ngay ngắn để chuẩn bị đem nung, vợ chồng ông được hưởng 18.000 đồng, bình quân mỗi ngày ông bà xếp hơn 11.500 viên gạch.

Từ thu nhập có được, vợ chồng ông Vĩnh phải tằn tiện, dè sẻn trong chi tiêu để lo cho cuộc sống gia đình và con trai đang học lớp 8. “Thu nhập không cao, nên khi muốn mua bất cứ vật dụng gì trong gia đình, chúng tôi đều cân nhắc kỹ. Từ nhà đến nhà máy cũng khá xa, hàng ngày vợ chồng tôi phải thức sớm nấu cơm đem theo, chứ ăn cơm tiệm chắc không có dư cho con đi học”, bà Thủy nói tiếp.

Mệt, nhưng vẫn mong được tăng ca

Cũng vì cuộc mưu sinh nên chị Huỳnh Thị Thanh Hiền, ở ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A đã xin vào làm công nhân may ở Công ty TNHH Lạc Tỷ 2. Chị Hiền cho biết: “7 giờ 30 phút chúng tôi bắt đầu vào làm, ngày nào không tăng ca thì đến 16 giờ 30 chiều thì về. Còn những ngày tăng ca thì đến 17 giờ 30 phút hay 18 giờ 30 phút mới về”. Mỗi tháng, chị Hiền lãnh khoảng 3,5 triệu đồng, nếu tháng nào tăng ca được hơn 4 triệu đồng. Theo chị Hiền, dù công việc 8 tiếng đồng hồ nơi công xưởng đã khá vất vả, nhưng hầu hết công nhân vẫn hy vọng được tăng ca. Dẫu biết rằng nếu làm tăng ca nhiều thì sức khỏe sẽ không đảm bảo, nhưng vì cuộc sống túng thiếu, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng nên hầu như ai nấy đều mong muốn được làm nhiều, với mong muốn cuộc sống được đỡ vất vả và ổn định hơn.

Đời sống vật chất còn thiếu thốn nên hầu như rất ít công nhân lao động nghĩ đến việc hưởng thụ đời sống tinh thần. Đi tham quan, du lịch, xem phim… là chuyện “xa xỉ” đối với họ. Ông Đặng Thanh Dầy, ở khu vực 4, phường VII, thành phố Vị Thanh - công nhân Nhà máy gạch Tuynen 586 Hậu Giang, nói: “Lương của tôi tầm 3 triệu đồng/tháng, góp phần trang trải chi tiêu trong nhà. Sau những giờ làm việc thì tôi trở về nhà nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục với công việc. Hết đi làm ở nhà máy rồi về nhà ngủ thôi”.

Nhiều công nhân cũng chia sẻ rằng, với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng cũng là mơ ước của nhiều người, nhưng nỗi lo lớn của họ không dừng lại ở đó, mà là công việc không ổn định, khi nhiều công ty, doanh nghiệp đang thu nhỏ quy mô sản xuất. Như ông Vĩnh bày tỏ lo lắng: “Mình ngày một lớn tuổi, cũng không có trình độ gì, lỡ có gì chắc bị nghỉ trước tiên quá…”.

Vì trình độ, vì tuổi tác nên hầu như các công nhân không thể lựa chọn công việc cho mình. Bởi vậy, những nỗi lo lắng, suy tư về cuộc sống, về cơm áo gạo tiền luôn đè nặng lên đôi vai và suy nghĩ của họ…

Bà Lê Thị Thanh Lam (ảnh), Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết công đoàn các cấp luôn cảm thông nỗi khổ của công nhân. Bởi vậy, những hoạt động hướng về công nhân nghèo luôn được quan tâm. Mỗi năm chúng tôi cũng dành ra khoảng 2 tỉ đồng để trao tặng học bổng “Quỹ Tấm lòng vàng” cho con công nhân lao động nghèo vượt khó, học giỏi, chăm lo hỗ trợ về nhà ở cho công nhân. Liên đoàn Lao động tỉnh cùng với các công đoàn cơ sở tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho công nhân lao động được tham gia vui chơi, giải trí sau những giờ lao động vất vả…

Trong Tháng công nhân 2016, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao tặng 97 “Mái ấm công đoàn” với tổng trị giá 2,9 tỉ đồng. Ngoài ra, còn trao tặng trên 2.000 phần quà…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>