Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy

27/05/2016 | 08:56 GMT+7

Đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học là hướng đi được Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy thực hiện nhiều năm qua.

Một tiết học trên lớp của học viên ở trung tâm. Ảnh: CAO OANH

Ở trung tâm, cô Mai Ngọc Loan, giáo viên dạy môn ngữ văn, được nhiều đồng nghiệp học tập với phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm. Có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề (13 năm giảng dạy tại trung tâm), với cô Loan, việc đổi mới phương pháp giảng dạy luôn mang về hiệu quả tích cực. Cô áp dụng theo phương pháp ôn tập “cuốn chiếu”, ôn xong phần nào, chương nào học sinh phải nắm được chắc kiến thức cơ bản phần đó. Đồng thời cũng xây dựng “ma trận” cho đề thi đủ các cấp độ nhận thức từ dễ đến khó, biết, hiểu, vận dụng thấp - vận dụng cao, để các em học sinh rèn luyện kỹ năng tự học. Nhờ vậy chất lượng tốt nghiệp THPT môn ngữ văn luôn đạt hơn 60%,

Cô Ngọc Loan nói: “Học sinh tại trung tâm năng lực học tập không bằng các trường THPT, để tạo hứng thú cho các em khi học môn ngữ văn, chúng tôi dùng biện pháp tạo lòng tin. Bên cạnh đó, tôi sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy, học trong tiết dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy, thường xuyên tìm hiểu cập nhật thông tin liên quan đến bài giảng thông qua mạng internet... Sự phối hợp nhịp nhàng giữa thầy và trò trong từng bài giảng giúp học sinh ham học hơn”.

Những phương pháp mới luôn được học sinh đón nhận, em Nguyễn Hoàng Khang, học sinh lớp 12A, bộc bạch: “Thầy, cô không chỉ hỗ trợ chúng em mọi lúc, mà còn là người tâm lý, luôn có cách dạy hấp dẫn để chúng em tập trung vào từng bài học. Em đang tập sử dụng sơ đồ tư duy vào việc hệ thống lại kiến thức, phương pháp này giúp nhớ bài chính xác lắm”.

Một điểm nhấn khác là trung tâm luôn tạo mọi điều kiện để giáo viên học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Khi đi vào hoạt động năm 2003, trung tâm chỉ có 5 thành viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chỉ khoảng 60%, đến nay đã có 17 cán bộ, giáo viên, 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, 1 giáo viên trên chuẩn. Thầy Võ Tiến Công, giáo viên dạy môn toán, thổ lộ: “Tôi đã hoàn thành xong lớp liên thông đại học sư phạm toán. Đây chính là những bước đệm để tôi góp phần nâng cao hơn chất lượng chuyên môn trong thời gian tới”. Với sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp giúp học sinh ôn tập tốt kỳ thi THPT quốc gia môn toán”, thầy Công đang có nhiều biện pháp hay để hỗ trợ học sinh nhiều trong công tác ôn tập và hệ thống lại kiến thức cơ bản giúp các em tự tin trong khi kỳ thi sắp tới.

Để nâng cao hơn chất lượng đội ngũ giảng dạy, trung tâm còn tổ chức tư vấn nghề nghiệp thông qua hoạt động ngoại khóa, tổ chức thực hành các hoạt động hướng nghiệp, điều tra cập nhật nhu cầu người học trên địa bàn huyện để có kế hoạch mở các lớp theo nhu cầu người học và địa phương. Trung tâm còn kết hợp với trung tâm học tập cộng đồng các xã điều tra, cập nhật số liệu về độ tuổi, mở các lớp bổ túc THCS, THPT… Nơi đây cũng là “đầu mối” để liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh mở 5 lớp liên thông hệ vừa học, vừa làm với 280 học viên các ngành sư phạm mầm non, cấp thoát nước, luật, sư phạm tiếng Anh cho học viên của huyện, cũng như các địa phương lân cận như huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, tỉnh Sóc Trăng…

Có thể nói, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên để luôn đáp ứng tốt nhu cầu “xã hội học tập”, qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

NGUYỄN VĂN LIỆT

(Quyền Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Vị Thủy)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>