MOWCAP vinh danh thêm 2 Di sản tư liệu của Việt Nam

20/05/2016 | 15:18 GMT+7

Chiều 19-5, trong khuôn khổ Hội nghị Toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) tổ chức tại TP Huế, MOWCAP đã công bố Quyết định về việc ghi danh thêm 14 Di sản tư liệu mới của MOWCAP. Trong đó, Việt Nam có 2 Di sản mới được vinh danh là Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế (Thừa Thiên – Huế) và Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh).

Trước đó, 4 Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận, gồm: Mộc bản triều Nguyễn là các bản khắc gỗ các văn bản của triều đình nhà Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31-7-2009 (Số mộc bản này đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt).

Bộ bản dập bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới vào năm 2011 (trước đó, Di sản này đã được ghi danh là Di sản tư liệu trong chương trình Di sản Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010).

Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) được UNESCO tiếp tục công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2012.

Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2014.

Thơ văn trang trí bằng chất liệu pháp lam trên di tích điện Thái Hòa – Đại nội Huế.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được MOWCAP vinh danh lần này là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở di tích cố đô Huế. Trong quá trình xây dựng và tu sửa các công trình xưa nay chưa hề có tư liệu nào đề cấp đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới các văn tự trên di tích. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, hàm chứa nhiều giá trị quý báu về những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của một giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam.

Sau khi được công nhận, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ triển khai nhiều cách để giới thiệu Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với cộng đồng, như in sách giấy, sách điện tử, đưa vào các trường học, thậm chí cả dựng chương trình nghệ thuật có nội dung lấy cảm hứng và chất liệu từ nguồn thơ văn này. Đồng thời phối hợp với ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch xây dựng và chủ động quảng bá thương hiệu “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”.

Trước đó, Huế đã có 4 di sản được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn.

Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, Di sản Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) được MOWCAP vinh danh tại hội nghị lần này là các tư liệu được khắc trên bản gỗ thị khá tinh xảo, thư pháp đẹp cùng ấn triện gia huy, dấu bản quyền chứa nhiều thông tin về văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội, giao lưu giữa các dòng họ. Trong đó, có những mộc bản cổ có giá trị quý hiếm, cùng một số sách “Tứ thư ngũ kinh” của Khổng giáo.

Những mộc bản này được lưu giữ tại Phúc Giang thư viện- một thư viện nổi tiếng khắp cả nước của dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Tĩnh. Đây cũng là Di sản tư liệu quý duy nhất của một dòng họ ở Việt Nam lưu trữ và bảo quản. Di sản này đã thể hiện tư tưởng của UNESCO về việc cần thiết xây dựng một xã hội học tập và đào tạo con người tài, đức.

Theo VĂN THẮNG/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>