Cho vay theo Nghị định 55

Phát huy hiệu quả

17/05/2016 | 08:20 GMT+7

Sau gần một năm thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nguồn vốn này đã tích cực phát huy hiệu quả, là động lực cho nhiều hộ dân trong tỉnh vươn lên làm giàu.

Nhờ lãi suất tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn giúp cho gia đình bà Gấm, ở ấp 2, thị trấn Nàng Mau giảm được chi phí nuôi cá.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hậu Giang, sau khi Nghị định 55 về tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực thay thế cho Nghị định 41 đã mở rộng thêm đối tượng cho vay khu vực đô thị và nâng mức cho vay. Điều này tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, giúp mở rộng được quy mô sản xuất và giảm bớt thủ tục vay, góp phần cho hộ tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Tính đến nay, Chi nhánh Agribank Hậu Giang có 53.500 khách hàng vay vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với dư nợ 4.685 tỉ đồng, chiếm 90% tổng dư nợ. Có thể thấy, Nghị định 55 đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

Nhờ nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn giúp cho nhiều hộ dân có thêm điều kiện mở rộng sản xuất và phát triển kinh tế. Ông Văn Thế Toan, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Thời gian qua, gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn để đầu tư trồng cây ăn trái và làm ruộng. Từ vốn vay được 100 triệu đồng giúp cho gia đình mua cây giống, phân bón. Sau gần 2 năm nỗ lực làm ăn, gia đình đã mua thêm hơn 500m2 đất để trồng cây ăn trái và cố thêm 5 công ruộng với trị giá 270 triệu đồng”.

Còn với bà Nguyễn Thị Gấm, ở ấp 2, thị trấn Nàng Mau, tâm sự: “Gia đình tôi nuôi được 3.000m2 mặt nước cá rô, thát lát và cá trê vàng. Nhờ có chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn mà tôi được vay vốn với lãi suất ưu đãi, giúp gia đình giảm được chi phí trong nuôi cá so với trước đây”.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Agribank huyện Vị Thủy, Nghị định 55 ra đời đã tháo gỡ những bất cập của Nghị định 41. Khi có quyết định thực hiện cho vay theo Nghị định 55, Agribank huyện Vị Thủy triển khai cho vay liền và thông tin cho khách hàng có nhu cầu vay vốn ở khu vực thị trấn. Đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện là 670 tỉ đồng. Đối tượng cho vay chủ yếu làm mô hình tổng hợp như trồng trọt, chăn nuôi gia cầm, gia súc, mua máy móc nông nghiệp. Sau khi thực hiện Nghị định 55, người vay đã mở rộng quy mô sản xuất và mức cho vay cũng cao hơn trước. Để dòng vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, Agribank huyện Vị Thủy luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của khách hàng và bám vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là chính theo chủ trương của Trung ương, định hướng của tỉnh, huyện. Từ nay đến cuối năm, Agribank huyện Vị Thủy, phấn đấu dư nợ cho vay nông nghiệp đạt 700 tỉ đồng, trong đó vốn trung hạn chiếm từ 10-25%.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>