Nâng cao năng lực cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số

11/05/2016 | 09:07 GMT+7

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo (Đề án). Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về vấn đề này, ông Bùi Văn Sáu (ảnh), Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết:

- Nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh luân chuyển 76 cán bộ (trong đó 3 đồng chí là nữ, trẻ). Nhìn chung, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý về các đơn vị, địa phương đã tạo điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng thêm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và được thử thách trong thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, nữ có triển vọng để tạo nguồn cho quy hoạch nhiệm kỳ mới.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ của tỉnh; tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ cao bổ sung vào cấp ủy, chức danh chủ chốt ở địa phương, các ngành. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo hướng đào tạo phải gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp, luân chuyển; lấy nhu cầu hiện tại của tỉnh làm khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Thưa ông, ông đánh giá vai trò của cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay quan trọng như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ?

- Thực tế cho thấy, cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở các ngành, các địa phương là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn còn những khó khăn trong quá trình phấn đấu vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các ban, sở, ngành và các địa phương. Để tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt ngày càng cao cần phải đào tạo, bồi dưỡng, mạnh dạn bố trí vào các vị trí chủ chốt phù hợp với năng lực, sở trường để họ có điều kiện khẳng định mình. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án là phù hợp với chủ trương của tỉnh, nhằm xây dựng đội ngũ này vững về chính trị, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, có đủ năng lực quản lý, điều hành, thực thi công vụ, có kỹ năng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Cụ thể lộ trình đào tạo, bồi dưỡng sẽ như thế nào, thưa ông ?

- Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy các cấp đạt tỷ lệ bằng hoặc cao hơn so với quy định của Trung ương, nhất là trong ban thường vụ cấp ủy các cấp. Công tác quy hoạch, đào tạo cụ thể như sau:

Năm 2016: Đào tạo trung cấp lý luận chính trị khoảng 180 đồng chí, cao cấp lý luận chính trị từ 50 đồng chí, sau đại học 8 đồng chí. Năm 2017: Đào tạo trung cấp lý luận chính trị khoảng 180 đồng chí, cao cấp lý luận chính trị lồng ghép với lớp khác từ 20 đồng chí; sau đại học 8 đồng chí. Năm 2018: Đào tạo trung cấp lý luận chính trị khoảng 180 đồng chí, cao cấp lý luận chính trị từ 20 đồng chí, sau đại học 8 đồng chí. Năm 2019: Đào tạo trung cấp lý luận chính trị khoảng 180 đồng chí, cao cấp lý luận chính trị lồng ghép với lớp khác từ 10 đồng chí, sau đại học 8 đồng chí.

Thưa ông, để đảm bảo mục tiêu Đề án đặt ra, biện pháp cụ thể nào sẽ được quan tâm thực hiện trong thời gian tới ?

- Để đạt được mục tiêu của Đề án, thời gian tới cần tập trung các giải pháp cụ thể như: nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, đào tạo đối với cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; chủ động lựa chọn nguồn cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất chính trị đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị.

Cần đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để làm cơ sở tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, quản lý và sử dụng đúng sở trường công tác; mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đã qua rèn luyện, thử thách, được đào tạo cơ bản và có đủ tiêu chuẩn bầu vào cấp ủy các cấp, bố trí vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Phải rà soát, bổ sung các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chế độ, chính sách đối với cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho đội ngũ này yên tâm công tác, tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và các kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo phải gắn liền với bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị…

Xin cảm ơn ông !

NHƯ NGUYỆT thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>