Học né rầy để tránh hạn, mặn

06/05/2016 | 07:22 GMT+7

Câu chuyện khô hạn, thiếu nước ngọt đã kéo dài hơn 3 tháng qua. Nhưng đến nay vẫn là câu chuyện nóng, mang tính thời sự. Mới nhất là UBND tỉnh Hậu Giang đã quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, với cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn cấp độ 1. Thực tế, sản xuất lúa ở ĐBSCL từng đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro cao nhưng nếu tuân thủ đúng lịch thời vụ thì có thể hạn chế được rủi ro.

Tuân thủ đúng lịch thời vụ trong sản xuất lúa sẽ hạn chế được rủi ro. Ảnh LÝ ANH LAM

Bài học từ né rầy !

Cách đây đúng 10 năm (năm 2006), vựa lúa ĐBSCL đã đối diện với sự bộc phát dịch rầy nâu, kèm theo dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu truyền bệnh. Bấy giờ, Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), Viện Lúa Quốc tế rất lo ngại cho Việt Nam. Các phiên họp thường xuyên hàng tuần đều có đề cập đến tình hình Việt Nam để thảo luận, tìm các giải pháp tháo gỡ. Có lúc lãnh đạo Bộ NN&PTNT, cảnh báo: Việt Nam có thể phải nhập gạo trong năm 2007 nếu tiếp tục để diện tích nhiễm bệnh do vi-rút tăng lên không kiểm soát được. Thực sự, Việt Nam đã không nhập khẩu gạo mà còn xuất nhiều hơn, bởi Việt Nam giải quyết bài toán gieo sạ đồng loạt trên hàng triệu héc-ta, dùng bẫy đèn dự báo quần thể rầy nâu. Đây là bài học vô cùng lý thú cho các nước láng giềng. Điều quan trọng bậc nhất là Việt Nam đã đẩy mạnh cuộc cách mạng về giống lúa khá thành công và triển khai biện pháp “ba giảm” rất hiệu quả (giảm mật độ sạ, giảm dùng thuốc trừ sâu, giảm bón phân đạm).

Theo đó, năng suất lúa bình quân năm 2005 là 4,82 tấn/ha, tăng lên 5,32 tấn/ha trong năm 2010, tăng 10,4%; có nghĩa là mỗi năm tăng trung bình 0,1 tấn/ha (tăng 2%/năm). Trong khi thế giới đang trong giai đoạn năng suất treo (yield stagnancy) hoặc tăng chậm <1%/năm. Công tác chọn giống truyền thống vẫn giữ vai trò chủ lực, bên cạnh đó rất nhiều phương pháp mới ứng dụng từ công nghệ tế bào, công nghệ di truyền, công nghệ tái tổ hợp DNA, đã góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển. Theo GS, TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Mục tiêu sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải nhắm đến an ninh lương thực là ưu tiên số một, trong đó thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng thóc cả nước. Một nghịch lý cần được tháo gỡ là: nhà khoa học khuyến khích “phát triển bền vững” trong khi nông dân cần “thu nhập tăng”. Nông dân không thể chấp nhận một giải pháp kỹ thuật mới, mà sau  đó thu nhập của họ không được cải tiến khá hơn. Thực hiện GAP (thực hành nông nghiệp tốt), tìm đầu ra cho nông sản có giá trị xuất khẩu cao có thể được xem là một trong các giải pháp được chọn.

Né hạn, mặn

Đợt khô hạn, xâm nhập mặn thế kỷ vẫn đang hoành hành ở ĐBSCL. Hơn 220.000ha lúa bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau. Hàng triệu người dân ĐBSCL thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều hoạt động cứu trợ các thùng chứa nước ngọt đã được cộng đồng gửi đến người dân vùng “khát nước ngọt”. Mới đây nhất, các tổ chức và chính phủ một số nước cũng đã cam kết viện trợ cho người dân Việt Nam vùng chịu thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Nhìn lại đợt hạn, mặn đã và đang diễn ra, Sóc Trăng và Hậu Giang là hai địa phương đã giảm thiểu được mức thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn gây ra. “Tỉnh đã lượng định được mức độ khốc kiệt của hạn, mặn xảy ra nên cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Trong đó, 1 thị xã đã không sản xuất lúa, 2 huyện bỏ 1 lúa nên thiệt hại rất thấp (chỉ khoảng 12.000ha bị ảnh hưởng). Trong đó, địa phương đã chủ động mua sắm thêm các thiết bị quan trắc để kiểm tra độ mặn... Mỗi cửa cống ngăn mặn, dẫn ngọt có người quản lý chịu trách nhiệm cụ thể”, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết.

“Né hạn, mặn” là khuyến cáo mà các nhà khoa học bắt đầu đưa ra cho vựa lúa ĐBSCL. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh ven biển cần nghiên cứu sắp xếp lại lịch thời vụ xuống giống phải dựa trên các yếu tố về thời tiết, khí tượng thủy văn, nhất là yếu tố hạn, mặn. Theo đó, trên đất trồng lúa bị hạn, mặn, trồng lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi sang trồng các loại cây khác hoặc chăn nuôi. Tại Hậu Giang, để thích ứng với biến đổi khí hậu, hơn 2 năm trước, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng Đề án 1.000. Bước đầu đề án này đã mang lại hiệu quả khả quan khi các hộ dân tham gia chuyển đổi đã tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5-2 lần trên cùng diện tích canh tác. “Chúng tôi đã chuyển đổi 1.000ha cải tạo vườn tạp tập trung tại các xã nông thôn mới vừa qua thực hiện rất khả quan. Đồng thời, chuyển 1.000ha mía kém hiệu quả tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp sang những cây trồng khác có hiệu quả hơn như cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tỉnh cũng đang khẩn trương chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 kém hiệu quả sang mô hình 2 lúa + 1 màu hoặc 2 lúa + 1 thủy sản… Các đề án này được triển khai thực hiện từ năm 2014-2016, sau đó chúng tôi sẽ sơ kết lại tình hình thực hiện và từ đó nhân rộng định hướng đến năm 2020”, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Trước đây khi “né rầy”, ĐBSCL thường căn cứ vào nước và rầy nâu di trú, giờ phải căn cứ vào tình hình chất lượng nước để bố trí thời vụ xuống giống cho các tỉnh ven biển. Các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương trong vùng giờ đã cùng chung nhận định: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi. Có lẽ sau “né rầy”, giờ đây ĐBSCL cần phải thực hành tốt bài học “né hạn, mặn” để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho nông dân trong vùng.

VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>