Chợ tự phát nằm cạnh Ủy ban nhân dân xã

06/05/2016 | 07:11 GMT+7

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cạnh Ủy ban nhân dân (UBND) xã Đông Phú, huyện Châu Thành, còn tồn tại một khu chợ tự phát hoạt động nhiều năm nay mặc dù đã được đề nghị xóa quy hoạch.

Quang cảnh chợ tự phát cạnh UBND xã Đông Phú.

Khu vực chợ nằm trên ấp Phú Nhơn của xã Đông Phú. Chợ không có tên, bởi vì theo UBND xã Đông Phú đây là chợ tự phát theo nhu cầu mua bán của người dân. Trước đây, địa phương dự kiến hướng đến xây dựng chợ này thành chợ nông thôn mới nhưng vì không đáp ứng được các yêu cầu nên UBND xã đã đề nghị xóa quy hoạch. Người dân thường gọi chợ này là chợ xã Đông Phú để phân biệt với chợ tạm Đông Phú (hay còn gọi là chợ số 3) nằm cạnh Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

Theo nhiều người dân sở tại, chợ này hình thành cách đây nhiều năm, lúc chợ tạm Đông Phú chưa có. Từ 2-3 hộ dần dà đông lên hơn 30 tiểu thương và đa phần sản phẩm buôn bán đều là hàng tự tiêu tự sản. Chợ chỉ họp từ lúc sáng sớm và tan tầm lúc 8 giờ, cao điểm họp chợ diễn ra chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Mặc dù địa phương đã cho xây dựng 1 nhà lồng khoảng 30m2 cặp mé sông, nhưng người dân không vào mua bán mà họp chợ ngay trên các trục đường dân sinh quanh chợ.

Chị Lê Thị Loan, một người đi chợ, chia sẻ: “Chợ gần nhà nên thấy tiện, hàng hóa rẻ hơn ở chợ gần khu công nghiệp, phù hợp với túi tiền của công nhân và người có thu nhập thấp như chúng tôi”. Đáng nói hơn, nằm trong khu vực chợ hiện hữu có trạm y tế xã, tiểu thương thường xuyên bày bán ở dải đất trước cổng trạm làm cho người đi khám chữa bệnh vào trạm rất khó khăn. Mặc dù có nhiều bảng “Cấm đổ rác” dựng lên ở khoảng đất trống cặp trạm y tế xã, nhưng tiểu thương vẫn vứt rác bừa bãi. Chị Ngọc Trang, một hộ dân sống gần đó bức xúc: “Có những hôm chợ tan, rác thải, nước từ những thau cá tràn dưới lề đường. Vào mùa nắng, rác thải xung quanh bốc mùi tanh nồng, còn mùa mưa thì nước đọng lại gây mùi hôi thối, người dân sống hai bên đường vô cùng khổ sở”.

Chợ tự phát tạo nên nhiều lo ngại về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy cũng như tình hình an ninh trật tự, mỹ quan nông thôn. Được biết, xã Đông Phú đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có tiêu chí chợ nông thôn. Nhiều ý kiến thắc mắc, tình trạng họp chợ ngay cạnh UBND xã, chính quyền địa phương không dẹp sao xã vẫn đạt tiêu chí này?

Ông Lê Thanh Hồng, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, thừa nhận: “Để đảm bảo an ninh trật tự buôn bán, chúng tôi thường xuyên cử lực lượng dẹp chợ, yêu cầu các hộ buôn bán dọc lề đường dọn vào nhà lồng nhưng chuyện lại đâu vào đấy khi lực lượng chức năng đi khỏi. Do vậy, chúng tôi yêu cầu bà con giữ vệ sinh chung và dọn dẹp chỗ buôn bán sạch sẽ. Xã đang từng bước vận động bà con ra chợ tạm Đông Phú để ổn định chỗ bán”. 

Thực tế, cán bộ xã chỉ có thể dẹp được các tiểu thương tự tiêu tự sản lấn lòng lề đường nhưng không thể dẹp được các hộ buôn bán dọc con đường trên vì các tiểu thương này cho rằng đất của gia đình nên họ có quyền buôn bán. Chị Phụng, một tiểu thương trong chợ, chia sẻ: “Khi nào bị đuổi thì dọn đi, sau đó thì dọn lại chỗ cũ bán. Nhưng mấy anh công an thường chỉ nhắc nhở dọn sát vào trong miễn sao không lấn đường là được, chứ ít khi có chuyện đuổi đi hoặc tịch thu đồ đạc của người bán”.

Hoạt động của chợ tự phát hiện hữu đã giải quyết được nhu cầu mua bán của người dân. Cho dù hàng hóa chưa được kiểm tra nguồn gốc, chất lượng nhưng không ít người vẫn thích ghé mua vì sự thuận tiện và giá rẻ. Thế nên, việc chợ tự phát ngày ngày họp cạnh UBND xã và phát triển không phải là điều khó hiểu. Còn theo ý kiến người dân, muốn dẹp chợ thì nên dẹp từ gốc rễ, vì nhu cầu buôn bán là có thật. Nếu địa phương không có giải pháp quyết liệt thì nhiều khả năng chợ tự phát càng mở rộng dần, bởi có cầu ắt phải có cung. Đồng thời, muốn giải tỏa thì phải có chỗ cho họ làm ăn, nếu không chợ tự phát sẽ tìm chỗ khác hoạt động. Dẹp chợ tự phát khó nhưng không phải không làm được. Vấn đề là chính quyền địa phương có cách làm phù hợp vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền vừa tạo điều kiện để bà con buôn bán sắp xếp chỗ làm ăn của mình trước khi tiến hành giải tỏa chợ, thiết lập lại trật tự. 

Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho biết, UBND xã Đông Phú đã đăng ký chợ tạm Đông Phú để xét tiêu chí chợ nông thôn và hiện chợ này đã đạt các yêu cầu của tiêu chí số 7. Còn chợ tự phát nằm cạnh UBND xã do địa phương có nhu cầu phát triển thương mại - dịch vụ, do đó địa phương tự quản lý chợ này, nếu chợ vi phạm các điều kiện hoạt động như không an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy… thì lúc đó cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>