Để chị em sống vui, sống khỏe

06/05/2016 | 07:06 GMT+7

Thời gian qua, bằng nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh đã thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) góp phần chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho chị em phụ nữ.

Có thẻ bảo hiểm y tế, bà Trần Thị Thu (bìa phải), ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, chủ động hơn trong việc đi khám sức khỏe của bản thân.

Xã hội ngày càng phát triển, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, do đó nhu cầu về vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe trở thành nhu cầu thiết yếu của một bộ phận dân cư. Không chỉ ở thành thị, hiện nay ở nông thôn nhiều chị em phụ nữ cũng quan tâm hơn việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Tại nhiều đơn vị xã, phường, các CLB “Phụ nữ sống vui, sống khỏe”, CLB “Phụ nữ dân tộc sống vui, sống khỏe”, CLB “Hát, múa Dù kê”, mô hình “Tổ phụ nữ hùn vốn mua bảo hiểm y tế”, CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, CLB “Tư vấn tiền hôn nhân”… được thành lập đã tạo điều kiện cho chị em tham gia luyện rèn sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, cập nhật những kiến thức bổ ích để chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân. Mỗi CLB đều có nhiệm vụ thực hiện các vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe, tổ chức tuyên truyền vận động nhóm và chị em phụ nữ thực hành các dấu hiệu nhận biết bệnh và cách phòng chống, đặc biệt là các bệnh phụ nữ. Từ hoạt động của các CLB, chị em phụ nữ đã có ý thức hơn, quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, đối với chị em phụ nữ vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được tiếp cận một số chương trình y tế quốc gia, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, các mô hình chăm sóc sức khỏe phụ nữ, các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Nhờ có sự kết hợp đồng bộ mà đời sống vật chất, sức khỏe, tinh thần của nhiều chị em phụ nữ có bước nâng lên.

Sau hơn 1 năm thành lập, CLB “Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em” ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, có nhiều hoạt động khá sôi nổi. Thành viên của CLB họp định kỳ hàng tháng để chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc gia đình và sản xuất kinh tế. Ngoài ra, chị em trong CLB còn tự nguyện hùn vốn từ 20.000-50.000 đồng/người/tháng để hỗ trợ chị em vay vốn xoay vòng với lãi suất thấp, phát triển kinh tế gia đình. Chị Lê Thị Thu Ba, thành viên CLB, cho biết: “Mình ở nông thôn mà thành lập được CLB sống vui sống khỏe như thế này là rất tốt. CLB vừa giúp chị em có thêm kiến thức nâng cao sức khỏe chị em trong ấp, trong xã, vừa tạo điều kiện để chị em tập hợp lại với nhau để tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động”.

Để CLB đi vào hoạt động có hiệu quả, bên cạnh sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, thì Hội LHPN xã còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt CLB và thực hành tốt các nội dung được phổ biến. Bà Ngô Kiều Trinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho biết: “So với nhiều đơn vị khác, chị em phụ nữ ở xã Trường Long Tây vẫn còn khó khăn về kinh tế, đa số chị em lo đi làm, ít chú ý đến sức khỏe của bản thân mình. Thành lập CLB “Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em” không chỉ để chị em nâng cao sức khỏe, mà còn giúp chị em có những phút giây thư giãn, giao lưu. Hội LHPN xã sẽ cố gắng tiếp tục duy trì trong thời gian tới để CLB ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả hơn”.

Còn ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, Hội LHPN xã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ hùn vốn mua bảo hiểm y tế”. Qua đó, mỗi thành viên sẽ cùng hùn vốn để mua thẻ bảo hiểm y tế xoay vòng, mỗi tháng tổ sẽ hùn vốn một lần, mỗi lần hùn 50.000 đồng/thành viên. Từ số tiền này sẽ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hai thành viên có điều kiện kinh tế khó khăn nhất. Mặc dù cách thức hoạt động của “Tổ phụ nữ hùn vốn mua bảo hiểm y tế” không giống các CLB, tổ, nhóm chăm sóc sức khỏe phụ nữ khác, nhưng thông qua mô hình, chị em phụ nữ sẽ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không phải tốn kém nhiều chi phí.

Bà Trần Thị Thu, ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Nhiều chị em vì điều kiện kinh tế khó khăn nên dù bệnh cũng ít chịu đi khám bệnh vì sợ tốn kém tiền bạc. Khi tham gia vào “Tổ phụ nữ hùn vốn mua bảo hiểm y tế” được hùn vốn xoay vòng để mua thẻ bảo hiểm, chị em không sợ điều đó nữa, mà chủ động đến bệnh viện thăm khám khi cảm thấy sức khỏe không tốt”.

Có thể thấy, sự ra đời của các mô hình chăm sóc sức khỏe là một nét mới về đời sống của người dân nông thôn, nơi đời sống đa số chị em phụ nữ còn nhiều khó khăn. Từ đó, phát huy tinh thần rèn luyện thể dục thể thao, chăm lo sức khỏe để lao động, học tập tốt hơn.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>