Sau 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Không có phát sinh yêu cầu giải quyết bồi thường

06/05/2016 | 07:03 GMT+7

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2010. Công tác triển khai thi hành luật này trên địa bàn tỉnh đã nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ.

Buổi tập huấn về công tác bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi luật có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc triển khai thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Tư pháp trực tiếp tổ chức triển khai nội dung của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu quyền và nghĩa vụ của mình được thực hiện theo quy định của pháp luật. Để công tác bồi thường của Nhà nước được thực hiện đồng bộ, thống nhất, hàng năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch. Qua 5 năm thi hành luật, tỉnh đã tổ chức 95 cuộc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về bồi thường của Nhà nước cho gần 11.600 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thông qua các hoạt động tuyên truyền và công tác thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của luật cũng như trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường khi có vụ việc phát sinh. Qua quán triệt, tuyên truyền luật này, giúp cho công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức học tập, rèn luyện bổ sung kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện đúng những quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại gây ra cho các tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ. Bà Mạc Thị Chiên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A, nói: “Từ khi luật này có hiệu lực, bản thân tôi cũng như cán bộ, công chức của đơn vị luôn cố gắng học tập trau dồi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong thực thi công việc và luôn với tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn thận trọng, chặt chẽ hơn so với khi chưa có luật”. 

Qua 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trên địa bàn tỉnh không có phát sinh yêu cầu giải quyết bồi thường. Một vị lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết: Với kết quả trên, trước hết phải khẳng định công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện rất chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đề ra, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ được nâng cao, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói riêng luôn được tăng cường… Đó là những lý do cơ bản đảm bảo các công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân được giải quyết tốt, hạn chế đến mức thấp nhất sai sót xảy ra. Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, hàng năm Sở Tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Tuy nhiên, nhiều quy định hiện hành của luật chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhiều lĩnh vực phát sinh chưa được quy định như công tác theo dõi, giám sát, thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bồi thường của Nhà nước. Sau 5 năm thi hành, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc bồi thường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức… thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức có hành vi vi phạm gây ra khi thi hành công vụ. Từ  đó, góp phần nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của cán bộ công chức trong thi hành công vụ.

Việc triển khai, thi hành luật này, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Nhà nước thực hiện tốt hơn trách nhiệm trước công dân, đồng thời góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của công chức trong quá trình thực thi công vụ. Để Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khả thi hơn và được triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện luật và các văn bản có liên quan bằng nhiều hình thức phong phú cho người dân hiểu và nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về bồi thường của Nhà nước, để người dân bảo vệ quyền và lợi ích của mình, qua đó cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. Cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường và thực hiện giải quyết theo yêu cầu bồi thường để nâng cao hiệu quả giải quyết khi có vụ việc phát sinh.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>