Đổi thay cuộc sống từ con chữ

06/05/2016 | 07:01 GMT+7

Về ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, hỏi thăm gia đình vợ chồng cô Thị Bận và chú Quách Mích thì ai cũng biết, không chỉ bởi sự nhiệt tình, tốt bụng mà còn là hộ người đồng bào dân tộc Khmer hiếu học tiêu biểu của xã.

Vợ chồng cô Bận đang xem lại những thành tích tiêu biểu của gia đình.

Đổi đất lấy… chữ

Gặp trở ngại từ ngày đầu lập nghiệp, hơn 30 năm, đã cho cô Bận và chú Mích một nghị lực phi thường vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đôi khi tưởng chừng như là không thể. Là dâu út trong gia đình nông dân, cô Bận luôn cùng chồng lo lắng mọi công việc chu toàn. Rồi khi các con lần lượt ra đời và ngày càng khôn lớn thì sự vất vả lại càng đè nặng trên đôi vai của vợ chồng cô. Chú Mích chia sẻ: “Đời chúng tôi đã quá nghèo khổ, chỉ mong nhờ cái chữ để đổi lấy sự sung túc và no đủ cho các con. Cho nên dù khó khăn, vất vả đến đâu vợ chồng tôi cũng cố gắng vượt qua”.

Khi lập gia đình, vợ chồng cô Bận được gần 2ha đất do cha mẹ để lại. Nhưng, để có tiền lo cho các con ăn học, vợ chồng cô đã bán gần hết số đất của gia đình với mong muốn “đổi đất lấy chữ” cho các con. Hiện tại, gia đình chỉ còn 2 công đất vườn trồng cây ăn trái. Để mưu sinh, bên cạnh việc chú Mích phải làm thợ hồ, còn cô Bận thì chăn nuôi heo, gà và bán ghe hàng nhỏ để trang trải cuộc sống. Nhờ chí thú làm ăn, nên gia đình cũng có của ăn của để. Điều khiến chúng tôi nể phục ở cô chú là ý chí quyết tâm và sự hy sinh cao cả dành cho các con của mình. Cô Bận bộc bạch: “Gia đình đông con nên thiếu thốn là không thể tránh khỏi. Vợ chồng tôi phải buộc lòng đi hỏi nợ của bà con hàng xóm và kéo lưới kiếm cá ăn hàng ngày. Lúc lo cho hai đứa lớn đi học, gia đình rất khó khăn nên đất ruộng cứ lần lượt được cầm cố rồi bán hẳn. Sau này, nhờ đứa lớn ra trường làm việc lo cho đứa nhỏ nên vợ chồng tôi cũng đỡ phần vất vả hơn”.

Hiện tại, 5 người con của cô chú đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Anh Quách Chận, con trai cả của vợ chồng cô chú, đang công tác tại Công an thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Với mong muốn thay đổi cuộc đời từ cái chữ và sự kỳ vọng của cha mẹ, nên anh em chúng tôi luôn cố gắng học tập dù có nhiều khó khăn, vất vả. Có khoảng thời gian tôi vừa học vừa đi làm để có tiền trang trải cuộc sống và giờ đây may mắn đã mỉm cười với gia đình chúng tôi”. 

Xứng danh “hai giỏi”

Nói về cô Bận, chúng tôi không chỉ nể phục cô ở tài quán xuyến công việc gia đình, mà cô còn là một người cán bộ tiêu biểu tại địa phương. Tham gia các tổ chức đoàn thể ấp từ năm 1994 ở nhiều vị trí như: Chi hội trưởng hội phụ nữ, cán bộ dân số, ban cán sự phụ nữ, phó bí thư ấp và cán bộ hội chữ thập đỏ vị trí mà cô hoạt động cho đến tận bây giờ. Đặc biệt, trong những lúc gia đình gặp khó khăn, cô vẫn không từ bỏ công việc. Khi chúng tôi hỏi điều gì đã cho cô một nghị lực phi thường để vượt qua mọi khó khăn, cô Bận cười đáp: “Do tình yêu với Đảng và nhân dân nên bản thân tôi không cho phép mình có quyền từ bỏ trách nhiệm. Tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ. Với tôi, được cống hiến sức mình cho sự phát triển của quê hương là niềm hạnh phúc”.

Cô Bận vừa nhận được bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, cô đã được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân số năm 2010, vì nhiều năm liền địa phương không có gia đình sinh con thứ 3 do làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, trong đó có công đóng góp rất lớn của cô. Đặc biệt, gia đình cô được Hội Khuyến học tỉnh công nhận là gia đình hiếu học tiêu biểu năm 2008. Nhận xét về gia đình cô Bận và chú Mích, thầy Nguyễn Văn Tặng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Xà Phiên, cho biết: “Gia đình cô Bận có mối quan hệ xã hội rất tốt và nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương. Đặc biệt, các con cô Bận đều cố gắng học tập, nghe lời cha mẹ và lễ phép với xóm làng”. Chia tay cô chú trong một buổi chiều nắng nhẹ, chúng tôi dường như cảm thấy một sức sống mới vừa trỗi dậy nơi làng quê nghèo. Và, xa xa hình ảnh người phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer đang lui cui chuẩn bị bữa cơm chiều trong làn khói bếp, một hình ảnh thật gần gũi và bình dị…

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>