Cần quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp

05/05/2016 | 08:29 GMT+7

Tuy đứng đầu so với các tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số gia nhập thị trường, nhưng kết quả chung chỉ số PCI năm 2015 Hậu Giang bị tụt hạng. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Quân (ảnh), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết:

- Có nhiều nguyên nhân đạt kết quả trên, trong đó nguyên nhân chính không thể thiếu là thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Trong những năm qua, thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể, từng bước giải quyết được không ít chi phí, thời gian đi lại cho các doanh nghiệp. Cụ thể là giải quyết thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, đầu tư đã rút ngắn thời gian quy định đáng kể, từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến việc đi lại, làm dấu, đăng ký mã số thuế. Thay vì, trước đây mất thời gian 12 ngày mới có được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, dấu, mã số thuế thì nay chỉ còn khoảng 3 ngày.

Được đứng thứ hạng cao về chỉ số gia nhập thị trường, nhưng kết quả chung thì chỉ số PCI của Hậu Giang lại tụt 11 bậc so cả nước và giảm 1 bậc so với khu vực ĐBSCL. Ông nhận định sự sụt giảm này như thế nào ?

- Với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo sâu sát các sở, ngành trong thực hiện kế hoạch hàng năm do UBND tỉnh ban hành về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do tình hình chung của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế cũng như thu hút các nhà đầu tư, trong đó đặc biệt là vấn đề về lao động, hỗ trợ doanh nghiệp... đã làm thứ hạng của tỉnh giảm từ 25/63 năm 2014 xuống 36/63 tỉnh, thành năm 2015.

Nhìn chung, so với cả nước thì các chỉ số thành phần PCI còn mang tính phụ thuộc vào tính lợi thế của mỗi tỉnh. Từ đó, các chỉ số tăng giảm qua các năm đều có sự chênh lệch do nhiều nguyên nhân, khía cạnh khác nhau tác động vào. Riêng tỉnh Hậu Giang năm 2015 chỉ số gia nhập thị trường đứng đầu cả nước, các chỉ số giảm mạnh là về lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức.

Những nguyên nhân chính nào ảnh hưởng đến sự sụt giảm điểm số chung năm 2015 và 3 năm gần đây, thưa ông ?

- Có thể nói trong những năm gần đây, các chỉ số PCI của tỉnh Hậu Giang do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, phân tích các chỉ số như: lao động, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai… đều giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do lao động của địa phương chưa nhiều, lao động phải tuyển chọn ngoài tỉnh, trình độ tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, chất lượng đào tạo chưa tốt, sản phẩm làm ra từ lao động địa phương không cạnh tranh được. Doanh nghiệp chưa thật sự sử dụng dịch vụ hỗ trợ sẵn có của tỉnh như dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, dịch vụ tư vấn và giới thiệu việc làm, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, đào tạo về kế toán và tài chính. Cũng còn nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà tỉnh chưa thực hiện được như dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại và triển lãm thương mại, công nghệ và dịch vụ liên quan đến công nghệ…

Theo ông, tỉnh phải làm gì để nâng chỉ số PCI cho những năm sau ?

- Vấn đề đặt ra trước sự sụt giảm trên là chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp, Nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp, phải lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới để khắc phục được các chỉ số này, tỉnh Hậu Giang cần đưa ra các giải pháp, nhất là tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính bằng những việc làm cụ thể, đồng bộ như quy trình thủ tục hành chính nên tập trung đầu mối, hiện nay doanh nghiệp còn phải đi nhiều nơi, nhiều cửa. Nên sắp xếp lại các phòng, bộ phận, đặc biệt là các phòng, bộ phận trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp phải là những người có trách nhiệm, có chuyên môn.

Xin cảm ơn ông !

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>