Một thời đạn bom qua “Hồi ức lính”

04/05/2016 | 07:26 GMT+7

Cứ tưởng là một quyển sách bình thường của một tác giả rất bình thường, khi viết về khoảng thời gian 6 năm trong quân ngũ, thế nhưng, một hiệu ứng bất ngờ khi chỉ hơn một tuần ra mắt, “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến, do NXB Trẻ ấn hành đã “cháy hàng”…

Tác giả Vũ Công Chiến từng chia sẻ trên phương tiện truyền thông, khi viết về tác phẩm này: “Chiến tranh đã lùi xa. Bây giờ nhiều lúc ngồi một mình, nhất là vào những đêm mưa, tôi lại hay nhớ về đồng đội, nhớ về Trường Sơn một thời. Tôi viết ra câu chuyện chỉ đơn thuần là những ghi chép về đời lính, về đồng đội của mình… Chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm của mình. Nhưng rất nhiều năm sau, thế hệ sau và cả những bạn bè cùng người thân đều muốn hỏi tôi đã làm gì trong chiến tranh. Họ muốn biết những người lính chúng tôi đã sống và chiến đấu thật sự và cụ thể như thế nào trong những năm tháng đó…”. Vậy là viết, viết từ dòng cảm xúc tuôn trào, từ những hiện thực luôn hiện về trong tâm trí ông; viết để vẽ lại bức tranh để mọi người cùng soi rọi… Vậy là “Hồi ức lính” ra đời, đúng dịp cả nước kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Hồi ức lính” là một lát cắt cuộc sống thật đến trần trụi của tác giả trong khoảng thời gian ở quân ngũ. Không khô khan, mà chân thật và xúc động, vì ông đã thể hiện không chỉ bằng khả năng ghi nhớ, mà bằng tất cả các giác quan cùng với sự từng trải của người lính. Từ đó, người đọc cảm nhận những trang viết được đảm bảo bằng máu của ông và đồng đội ông. Trang viết còn là hình ảnh thiêng liêng về những người lính nằm lại trong cánh rừng Tây Nguyên hoặc trên đất nước bạn Lào xa xôi. Cuộc sống của những người lính trong chiến tranh đã gian khổ, bước ra khỏi cuộc chiến lại càng nặng nề hơn. Tác giả may mắn bước vào cuộc chiến khá nhẹ nhàng khi là cậu học sinh vừa rời khỏi mái trường và bước ra cũng nguyên vẹn và lành lặn. Thế nhưng, những trang viết của anh lại khiến người đọc xúc động lạ khi anh trải lòng về đồng đội mình lúc đối diện ranh giới giữa sự sống và cái chết. Khán giả còn cảm nhận được sự trải nghiệm, suy tư của người trong cuộc khi viết về khoảng thời gian đã cách xa hơn 40 năm. Thế nhưng, có lẽ những năm tháng không dài đó đã hằn sâu, thành một vết cắt trong tâm hồn ông và ông viết như để trả nợ cuộc đời, trả nợ cho những đồng đội đã nằm xuống và viết cho chính mình. Từ đó, giúp cho thế hệ sau hình dung về cuộc chiến một cách chân thật, sinh động. 

Nhà văn Bảo Ninh, người từng thành công với nhiều tác phẩm về chiến tranh, cũng rất thích thú với “Hồi ức lính”. Qua báo chí, ông còn khuyên rằng những ai trước khi bắt tay viết một quyển tiểu thuyết hoặc làm phim về cuộc kháng chiến và về anh bộ đội, nên đọc “Hồi ức lính”. Bởi qua tác phẩm, mọi người sẽ thấy anh lính bộ binh thật sự trông như thế nào. Không chỉ họ đánh trận thế nào, mà họ ăn, ngủ, họ nói năng, trò chuyện, thậm chí mắc võng và cả đeo AK thế nào nữa… Tác giả “Hồi ức lính” không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Nhiều người hơi tiếc, nếu là vậy, có lẽ tác phẩm này sẽ hấp dẫn hơn khi khai thác và sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật để tạo nên những điểm nhấn, cao trào, làm cho câu chuyện sinh động, hấp dẫn, thấm sâu hơn vào lòng độc giả. Thế nhưng, sự thật trần trụi, được lột tả bằng những câu văn đơn giản, lại chinh phục người đọc theo cách khác: bằng những câu chuyện thật được kể từ những người trong cuộc với những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với một thế hệ thanh niên sống trong quân ngũ, trở thành người lính khi chưa đủ tuổi trưởng thành, bước vào cuộc chiến như một sự lựa chọn không thể khác. Họ đi vào chiến trường với tinh thần hăm hở, không tính toán, băn khoăn. Họ cũng hoàn toàn chưa ý thức được vào cuộc chiến là đối diện với sống, chết, đói rét, bệnh tật… Tất cả đều nhìn nhận bằng cái nhìn của sự trải nghiệm, nghiền ngẫm, khi đã có khoảng thời gian đủ chín…

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>