Tuyên truyền lưu động xưa và nay

29/04/2016 | 09:11 GMT+7

Sau 41 năm hòa bình lập lại, cuộc sống của người dân đủ đầy hơn, đang từng bước hướng đến văn minh, hiện đại, buộc những người làm công tác tuyên truyền lưu động cũng phải thay đổi toàn diện để phù hợp.

Xe thông tin bung ra làm sân khấu để biểu diễn.

Từ ghe chèo, thuyền văn hóa

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, người có thâm niên trong việc tuyên truyền lưu động kể lại, ông tham gia ngành văn hóa cơ sở từ vài năm sau ngày giải phóng, làm công tác tuyên truyền ở Đội thông tin lưu động huyện Phụng Hiệp. Lúc đó, mỗi huyện đều có đội thông tin lưu động, còn ở xã thì có đội hoạt động theo cơ chế hợp tan. Phương tiện tuyên truyền cũng đơn giản, gọn, nhẹ, đi bằng ghe chèo, ghe máy đều có cả. Thời đó, đã mở đợt đi là đi cả tháng, mà ở địa phương nào cũng lưu lại vài đêm, đêm nào cũng đông kín người. Phần lớn anh em trong đội đều là “tay ngang”, ai biết thì dạy cho người đến sau… Vậy mà tất cả những dịp lễ, hội, sự kiện trọng đại của đất nước, người dân đều có thông tin. Bà Nguyễn Thị Ba, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, đã ngoài 60 tuổi, nhớ lại: “Tôi nhớ khoảng năm 1980, ở đây đường sá đi lại rất khó khăn, chủ yếu là chèo ghe. Mỗi lần nghe phóng thanh có đội tuyên truyền cổ động về là mấy anh chị em tôi kéo nhau đi. Vui lắm, vừa biết thông tin, vừa được xem hát, còn được coi chiếu bóng nữa. Phải tranh thủ đi sớm, chen lấn dữ lắm mới có được chỗ ngồi tốt”… Phương tiện truyền thông ít, cả xóm chỉ có một vài cái tivi, cát-sét, nên chuyện “đói” thông tin, “khát” giải trí là chuyện thường ngày. Những dịp này để bà con giải trí và cũng biết được thông tin thời sự. Vì thế, những người làm công tác tuyên truyền cũng đã chọn lọc để giới thiệu đến bà con những thông tin chắt lọc. Ngày đó, vẫn chưa sử dụng sân khấu hóa để làm mềm đi những lời tuyên truyền khô khan, mà chỉ làm nhẹ đi bằng những bài hát. Thế nhưng, hơn 1.000 người cho một xuất diễn là chuyện bình thường…

Ghe, xuồng trong những năm tháng đó được xem là phương tiện duy nhất để các đội tuyên truyền lưu động phục vụ. Mô hình tuyên truyền trên thuyền ngày càng định hình với nhiều phương thức hoạt động dần dần trở nên quen thuộc và phương tiện đi lại cũng được cải tiến hơn. Thuyền văn hóa là phương tiện tiếp theo, được chính thức công nhận vào năm 1987 và đây cũng là mô hình duy nhất, trở thành mô hình điểm ở vùng sông nước này. Thuyền văn hóa đầu tiên của Hậu Giang là thuyền văn hóa ở huyện Phụng Hiệp. Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhớ lại: “Trên thuyền văn hóa, có thể phục vụ rất nhiều. Đây được xem là nhà văn hóa di động và trên mui thuyền là sân khấu để đội tuyên truyền lưu động biểu diễn. Bên trong là triển lãm sách, ảnh, là nơi để các CLB văn nghệ sinh hoạt. Mỗi lần thuyền văn hóa ra quân là đi cả tháng mới về, xem như một đợt tuyên truyền…”. Có nơi, như ở Vị Thanh, trên thuyền văn hóa còn có cả lực lượng y, bác sĩ để mỗi khi thuyền neo lại diễn, kết hợp khám bệnh cho người dân. Nhiều câu chuyện khổ cực, nhưng thật vui về những ngày hạnh phúc ấy được những người làm công tác tuyên truyền kể lại. Đến thời điểm này, không khí của những ngày họ được sống trong tình yêu thương của người dân vẫn như mới xảy ra…

Đến xe thông tin lưu động chạy bon bon

Khoảng năm 1995-1996, khi hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện, thuyền văn hóa lúc này cũng đã hư nhiều, ít được tu sửa, nên đành dừng lại, hoàn thành nhiệm vụ của mình, để một phương tiện khác ra đời, đó là xe thông tin. Mỗi xe được đầu tư khá hiện đại, trên dưới 500 triệu đồng cùng với thiết bị âm thanh, ánh sáng cũng được đầu tư tương tự. Các tuyên truyền viên cũng được trang bị nhiều kiến thức chuyên môn, cộng với việc phát huy năng khiếu sở trường để tiếp tục chuyển tải những thông tin thời sự nhất đến với người dân. Chỉ cần chất dụng cụ biểu diễn lên xe là có thể bon bon chạy đến nơi biểu diễn, không cần phải xem con nước lớn, ròng. Bung thùng xe ra là đã có một sân khấu khá hoàn thiện để phục vụ bà con. Anh Huỳnh Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm VHTT-TT thành phố Vị Thanh, cho biết, đội của anh giờ có 5 thành viên. Mỗi khi có đợt tuyên truyền hay tham gia hội thi cấp tỉnh, là sử dụng thêm lực lượng cộng tác viên, có khi lên đến 30 người. Phương thức tuyên truyền cũng đa dạng, chuyên nghiệp hơn, với hình thức sân khấu hóa, đã làm cho những buổi tuyên truyền nhẹ nhàng hơn và người dân đến xem được thưởng thức những nhạc phẩm hay, kịch bản hài ý nghĩa, đi sâu vào những vấn đề bức xúc của xã hội.

Thế nhưng, lượng khán giả lại ít hẳn, được vài trăm người đã là chuyện hiếm hoi. Điều này, theo lý giải của bà Lê Thị Thu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT- TT huyện Phụng Hiệp, đây là điều tất yếu, khi mà người dân ngày nay cuộc sống ngày càng đầy đủ, văn minh, hiện đại hơn, nên nhu cầu thưởng thức cũng tăng theo. Bên cạnh đó, đây cũng là thời đại bùng nổ về công nghệ, thông tin, chỉ cần bật tivi, hay chỉ là cái click chuột, thông tin đã ngồn ngộn, nên việc tuyên truyền của đội tuyên truyền lưu động xem chừng như “yếu thế”. Thế nhưng bù lại, những người trong đội luôn bản lĩnh, yêu nghề và đặc biệt là rất đa năng, thạo việc, nên đã vận dụng nhiều cách để thu hút người xem và xem chuyện ít khán giả là xu hướng của thời đại và luôn quyết tâm phấn đấu để có thể hoàn thành nhiệm vụ, chuyển những thông tin tuyên truyền đến với dân sớm nhất, hiệu quả nhất. Nếu người dân không xem được, ở gần cũng có thể nghe… Thế nhưng, đây chỉ là những cách lý giải hiện thời, khi chưa có cách nào khác hữu hiệu để thu hút khán giả. Đây là việc dài hơi, vẫn cần có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, các ngành có liên quan, để hoạt động tuyên truyền này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, để các đội tuyên truyền lưu động được tiếp thêm sức mạnh, ngày càng sáng tạo, để công tác tuyên truyền ngày một trọn vẹn hơn.

* * *

Mỗi một giai đoạn có một phương tiện, phương thức tuyên truyền khác nhau. Để thích ứng, từng thành viên trong đội đã luôn học hỏi trau dồi để có thể phục vụ tốt hơn. Hiện tại, dù ít người xem, nhưng họ tạm hài lòng với chất lượng tuyên truyền phục vụ nhân dân. Và mỗi khi tới những dịp lễ, kỷ niệm hay những sự kiện lịch sử trọng đại, họ lại viết, tập và lên đường…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>