Khi ứng dụng khoa học được nhân rộng

29/04/2016 | 08:58 GMT+7

Từ năm 2013 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thực hiện được 9 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Trong đó, có những mô hình đã giúp nhiều nông dân, nhất là hộ nghèo phát triển kinh tế với đồng vốn nhỏ.

Mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể bạt cho hiệu quả kinh tế cao được nhiều nông dân áp dụng.

Thông qua các đơn vị của ngành, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ của mình là ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật ra dân. Các mô hình này đều rất dễ làm và phổ biến, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Tiêu biểu là mô hình nuôi lươn đồng trong vèo hoặc bể bạt, trồng các loại nấm ăn…

Gia đình anh Danh Văn, ở ấp 7, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, nhờ áp dụng từ mô hình này mà cuộc sống khá giả hơn. Khoảng 3 năm trước, anh Văn thuộc diện nghèo nhất xã, nhưng khi áp dụng mô hình nuôi lươn thì đã thoát nghèo. Trong một lần tham gia hội thảo khuyến nông, tham quan mô hình nuôi lươn của ngành nông nghiệp tổ chức, anh thấy dễ nên làm theo. Vì không có nhiều vốn mua thức ăn công nghiệp, anh tự đi đặt trúm tìm con giống, rồi ra đồng vớt ốc và bắt cá về làm thức ăn cho lươn. Anh Văn chia sẻ: “Nhờ lấy công làm lời và bán được lươn ngay dịp tết trúng giá, nên năm 2013 tôi kiếm lời to. Từ đó, tôi mở rộng quy mô thêm một bể nữa, lãi mỗi năm thu về cũng vài chục triệu đồng, cuộc sống đỡ vất vả hơn, bây giờ không còn nghèo nữa”.

Bên cạnh mô hình nuôi lươn, những hộ nghèo, không đất sản xuất ở huyện Long Mỹ cũng có được kế sinh nhai, thu nhập ổn định với nghề trồng nấm ăn. Từ kết quả nghiên cứu của “Mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu” mà Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh thực hiện năm 2013 đã giúp nhiều hộ dân nơi đây có thêm lựa chọn trong việc phát triển kinh tế gia đình. Anh Lâm Chí Cường, ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, nhà có vài công ruộng không đủ chi tiêu cho gia đình. Được ngành nông nghiệp huyện giới thiệu mô hình trồng nấm ăn vừa dễ làm, vừa ít tốn chi phí mà giá ổn định, thị trường tiêu thụ dễ, nên tôi bắt tay vào nghề trồng nấm”. Từ khi trồng nấm, cuộc sống gia đình anh Cường bớt vất vả. Nấm rơm từ lúc ủ rơm đến thu hoạch khoảng 35 ngày, giá bán dao động từ 20.000-24.000 đồng/kg, trung bình mỗi vụ lúa anh kiếm được khoảng 10 triệu đồng từ trồng nấm.

Với thuận lợi là rơm sẵn có sau các vụ lúa, nông dân ở xã Xà Phiên có thể chất nấm quanh năm. Hơn nữa, trong xã cũng có nhiều điểm thu mua nấm rơm nên bà con sau khi thu hoạch không sợ bị thương lái ép giá. 3 năm qua, mô hình trồng nấm rơm đã hình thành nên vùng nguyên liệu, là nơi tập kết nấm rơm ổn định cung cấp cho thương lái. Trung bình mỗi ngày vào vụ lúa, các thương lái thu gom từ 300-400kg nấm tươi. Chính vì có nơi thu mua ổn định, dễ làm và có giá trị kinh tế cao, nên nhiều hộ dân ở đây đang chuyển hướng vào mô hình này. Bên cạnh đó, nông dân ở xã Long Phú, Thuận Hòa, Thuận Hưng cũng trồng nấm rất nhiều và phân phối ở các chợ như Long Mỹ, Vị Thanh có khi giá lên tới 35.000 đồng/kg.

Theo ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, nghề trồng nấm rơm ở huyện thời gian qua không chỉ cải thiện cuộc sống gia đình, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, nên ngày càng được người dân nhân rộng. Dù được xem là nghề phụ, nhưng trồng nấm lại có thu nhập khá cao so với làm lúa. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người dân trồng nấm cho năng suất, chất lượng cao. Trên địa bàn huyện cũng có nhiều cơ sở chế biến nấm rơm và ở mỗi xã đều có đại lý thu mua nên sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ khá thuận lợi…

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Nguyễn Thị Kiều chia sẻ: Với chức năng và nhiệm vụ ứng dụng các mô hình khoa học hiệu quả, trung tâm đã cơ bản đưa được một số mô hình ứng dụng đơn giản, dễ làm ra dân. Từ đó, góp phần phát huy hiệu quả, giúp khá nhiều nông hộ áp dụng thành công, mang lại thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích