Bộ GD-ĐT sẽ xử lý cơ sở đào tạo có nhiều luận án tiến sĩ kém chất lượng

27/04/2016 | 15:44 GMT+7

Liên quan đến thông tin Học viện Khoa học Xã hội  (KHXH) đào tạo tiến sĩ mà vừa qua dư luận quan tâm, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng đã có trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng

*Phóng viên:  Với 350 chỉ tiêu tiến sĩ mỗi năm, Học viện KHXH đang bị dư luận xã hội coi là "lò đào tạo tiến sĩ", bởi cứ hơn một ngày có thêm một tiến sĩ. Ý kiến của Bộ GD-ĐT về nhận định này ra sao?

* Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: - Từ năm 2011, cơ sở đào tạo tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ theo Thông tư 57/2011, không còn việc nhà nước giao chỉ tiêu nữa. Năm 2010, Học viện KHXH được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 17 Viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm KHXH Việt Nam có phép đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, vì vậy chỉ tiêu của Học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 Viện nghiên cứu đó. Nếu chia bình quân thì số chỉ tiêu mỗi Viện không quá lớn. Theo quy định, 1 tiến sĩ trong cùng một thời gian được hướng dẫn không quá 3 nghiên cứu sinh, 1 phó giáo sư thì không quá 4 và giáo sư không quá 5. Nếu tính trên số giảng viên hiện có  thì Học viện cũng không vượt chỉ tiêu.

Còn việc dư luận nói Học viện cho ra “lò” tiến sĩ ồ đạt thì như lãnh đạo Viện hàn lâm KHXH đã giải thích, đó là do sau 3-4 năm đào tạo, họ đến lượt bảo vệ. Tôi cũng cho rằng, luận án tiến sĩ phải làm trong nhiều năm. Đánh giá chất lượng không thể căn cứ vào số luận án được tổ chức bảo vệ trong một thời gian mà phải trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng (giảng viên, cơ sở vật chất…) và giá trị khoa học, tính hữu ích của đề tài luận án. Đào tạo một tiến sĩ trung bình phải 3-4 năm tính từ lúc tuyển sinh đến khi bảo vệ luận án; đó là chưa kể trong quá trình đào tạo còn có người dừng, người chậm. Và nếu như cứ sử dụng 17 cơ sở đào tạo như trước đây để đào tạo số tiến sĩ đó thì chắc chắn cảm nhận xã hội sẽ không như thế.

Tuy nhiên, có một thực tế là chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam chưa cao so với các nước phát triển. Việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ vừa là vấn đề cần thiết, nhưng cũng vừa là việc khó khăn trong điều kiện khả năng đầu tư và mức học phí đều còn khiêm tốn. Bộ GD-ĐT cũng như các cơ sở đào tạo đang quyết tâm nâng chất lượng để ngày càng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

* Một số đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ ở Học viện KHXH bị đánh giá là thiếu tầm luận án tiến sĩ?

*Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước,  quản lý chất lượng đào tạo thông qua việc quy định điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện. Còn việc kiểm tra các đề tài nghiên cứu cụ thể thì quy chế đào tạo đã quy định thuộc thẩm quyền của đơn vị chuyên môn (người hướng dẫn, các hội đồng chấm, người phản biện độc lập, người thẩm định) và cơ sở đào tạo. Khi có nhiều người nhận xét đề tài không tốt thì cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, hội đồng chấm luận án… nên kiểm tra, cân nhắc kỹ.

Cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ có quyền tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo thì phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng và giải trình với cơ quan quản lý, với xã hội về chất lượng. Khi có khiếu nại tố cáo, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường tổ chức thẩm định và áp dụng các chế tài xử lý cơ sở đào tạo có nhiều luận án kém chất lượng.

Việc đánh giá luận án để cấp bằng là quyền tự chủ và trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Việc đánh giá cán bộ, công chức, người lao động… đang làm việc thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động. Thời gian tới, các cơ sở đào tạo sẽ phải công khai thông tin về thành tích nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh đã và đang hướng dẫn… của những tiến sĩ làm việc tại cơ sở.

*Tính ứng dụng của các đề tài thì được đặt ở đâu trong các đề tài kiểu như của Học viện KHXH?

* Quy chế quy định luận án tiến sĩ phải có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu, hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội. Trong quy chế có quy định về tiêu chí của luận án và trong bản nhận xét của những người đánh giá luận án cũng phải đề cập đến các vấn đề này.

Sự đánh giá đối với đề tài luận án có thể chia thành đánh giá xã hội và đánh giá chuyên môn, chúng ta nên tiếp nhận những đánh giá đó ở những góc độ khác nhau. Yêu cầu của quy chế đối với luận án tiến sĩ là yêu cầu chung cho hàng trăm ngành nên mang tính định tính, khó có thể có định lượng chung cho tất cả các ngành, vì vậy mà cần phải có chuyên môn của từng ngành đánh giá. Một trong các quy định đào tạo tiến sĩ đó là cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án, toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ phải đăng lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo.

* Tổng số tiến sĩ trên phạm vi cả nước hiện nay là bao nhiêu?

* Cục Thông tin KH-CN quốc gia, Bộ KH-CN thống kê ở Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ; Bộ GD-ĐT thống kê (năm 2015) có khoảng 15.000 tiến sĩ (bao gồm cả các  GS, PGS) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.

Theo PHAN THẢO/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>