Ngán ngẩm với bảng ghi danh người có công giá 350.000 đồng

22/04/2016 | 16:53 GMT+7

Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự bất bình với việc làm bảng ghi danh người có công giá 350.000 đồng tại thị trấn Hiệp Hòa, Đức Hòa, Long An.

Tấm bằng những người có công nhận được với giá 350.000 đồng - Ảnh: S.L.

Tấm bảng ghi danh không hề có tên đơn vị trao tặng, không có chữ ký của thủ trưởng cơ quan chủ quản, chỉ có dòng chữ “Mãi mãi ghi danh người có công với cách mạng” cùng với họ tên, địa chỉ và một tấm ảnh của người nhận.

Lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Long An cho biết sở không có chủ trương thu tiền và làm bảng ghi danh này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nhách - trưởng khu phố 3, thị trấn Hiệp Hòa, Đức Hòa, Long An - lại cho biết “do những người trên Sở LĐ-TB&XH về làm sổ vàng ghi công cho thị trấn, khi gia đình nào có yêu cầu làm bảng treo lưu niệm ở nhà thì mới làm”.

Không tôn trọng người có công

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - phó viện trưởng Viện VH-NT quốc gia - cho rằng việc tổ chức trao tặng và trao bảng ghi công là trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trên cả nước, không thể lợi dụng việc này để thu tiền.

Ông Sơn cho rằng việc thu tiền để làm bảng “mãi mãi ghi danh” là trái với luân thường đạo lý, trái với những chính sách tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước dành cho người có công. Mặt khác, nó còn làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân và tạo ra những dư luận không hay rằng “làm bất cứ điều gì cũng phải chi tiền”.

“Những gì các cán bộ làm đối với những cụ có công là hoàn toàn ngược lại với những điều được ghi trên tấm bảng “Mãi mãi ghi danh” được trao tặng cho các cụ” - ThS xã hội học Lê Minh chia sẻ.

Chúng tôi đều già cả, gần đất xa trời. Nói thiệt như tui đã ung thư nhiều năm nay, giai đoạn cuối, không biết sống được đến chừng nào nên họ nói làm lưu danh cho con cháu, ghi nhận công lao của cả đời mình thì mình làm.

Hầu như ai cũng như tui, đều làm bằng khung lớn với giá 350.000 đồng. Có điều thấy cũng xót xa.

Hồi xưa mình làm cách mạng không sợ chết. Giờ ung thư, bác sĩ còn thương bày cho cách uống thuốc nam mười mấy năm nay chớ tiền đâu ra mà chữa.

Một tháng tui chỉ lãnh chế độ được 775.000 đồng. Vậy mà giờ làm cái bằng ghi danh cho mình lại lấy tới 350.000 đồng.

Bà Lê Thị Ánh, một người có công đã nhận được được bằng “mãi mãi ghi danh” (Sơn Lâm ghi)

 

Có cùng suy nghĩ này, TS Phạm Thị Thúy nhận định việc ghi danh những người có công là chuyện nên làm, cần làm nhưng nếu thu tiền của những người có công, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, tiền trợ cấp eo hẹp để làm những tấm bảng ghi danh thì cần phải xem lại.

“Tôi thật sự bức xúc khi đọc thông tin này. Tiền trợ cấp của các mẹ mỗi tháng được bao nhiêu mà thu 350.000 đồng làm bảng ghi danh, trong khi họ là những người đã hi sinh bao nhiêu thứ, tạo dựng nên cuộc sống ngày hôm nay của chúng ta” - TS Phạm Thị Thúy nói.

Theo TS Phạm Thị Thúy, cần phải chấm dứt ngay việc thu tiền để làm bảng ghi danh người có công, không thể để một số cá nhân lợi dụng việc làm bảng ghi danh để trục lợi người có công với cách mạng.

ThS Lê Minh Tiến đánh giá sự việc này một lần nữa cho thấy thực trạng nhiều người luôn tìm cách trục lợi trong mọi việc liên quan đến chức trách của mình.

“Nó phản ánh tình trạng ý thức về đạo đức, về pháp luật đang ở mức rất thấp cho dù những người có liên quan, tức các cán bộ phụ trách, chắc chắn đã được đào tạo” - ông Tiến thẳng thắn.

Trả lại tiền thôi chưa đủ

Góp thêm ý kiến, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần phải cẩn trọng và có kế hoạch rõ ràng, giám sát các công đoạn thực hiện khi tiến hành ghi danh và tôn vinh những người có công sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của địa phương mình.

Ông Hoa Thanh Niên - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Long An - cho biết đã xác minh với chính quyền địa phương và khẳng định phía chính quyền không làm các “bằng ghi danh” để thu tiền những người có công.

“Đến nay vẫn chưa xác minh được ai làm”, ông Hoa Thanh Niên nói.

Sơn Lâm ghi

 

“Đối với sự việc đã xảy ra, đơn vị có trách nhiệm cần phải thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm và xin lỗi các trường hợp đã đóng tiền để làm bảng “mãi mãi ghi danh” này bằng thái độ cầu thị”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Theo TS Phạm Thị Thúy, cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, nhóm người nào tiến hành việc thu tiền này và yêu cầu họ trả lại tiền, không thể sử dụng ngân sách nhà nước để bồi hoàn cho sai phạm của một cá nhân hay nhóm người nào đó.

Đồng tình với việc yêu cầu người nào thu thì phải trả lại tiền, ThS Lê Minh Tiến còn đề nghị phải có những hình thức chế tài khác để các cán bộ công quyền phải thay đổi nhận thức về trách nhiệm và quyền hạn của mình.

“Một nhà nước lấy tiêu chí phục vụ nhân dân là điều sống còn thì không thể chấp nhận những hành vi như vậy” - ThS Lê Minh Tiến nêu quan điểm.

Không thể trục lợi người có công

Nhiều bạn đọc đã thể hiện sự bất bình trước sự việc này.

“Các cụ có công với đất nước nay trở thành công cụ để một số người trục lợi cá nhân”, bạn đọc Thachpham nói.

Một bạn đọc khác làm một bài toán về số tiền cần có để làm một tấm bảng như thế này: cái khung như trong hình khổ A3 (30x42cm), khung thì bằng nhựa 5cm, kiếng 3 li trắng hàng Việt-Nhật, ván cactông lót sau chống ẩm, giá thành là 55.000đ/cái khung, bằng khen in màu 10.000đ/tờ. Vị chi 1 cái lớn size 30x40cm là 65.000đ mà các vị đi thu của các mẹ là 350.000đ/cái.

Rất nhiều bạn đọc cho rằng đối với người có công thì những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, ghi danh, cấp bảng như thế này “một đồng cũng không được thu”.

“Những người có công với nước, không thể đánh đổi bằng tiền bạc. Còn đền ơn đáp nghĩa như thế nào, nhiều hay ít là việc phải lo của các cấp chính quyền”, bạn đọc lothanhtu bày tỏ.

Ý kiến khác thẳng thắn: Các thế hệ đi trước đã hi sinh tất cả để bảo vệ giữ gìn Tổ quốc. Giấy khen hay chế độ chăm sóc những người có công là nhiệm vụ.

 

Theo ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN/tuoitre.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>