Hà Huy Tập - Một tấm gương cộng sản sáng ngời

21/04/2016 | 19:06 GMT+7

Là một trong những Tổng Bí thư của Đảng ta, đồng chí Hà Huy Tập là một nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, một nhà lý luận sắc sảo, một tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hà Huy Tập luôn thể hiện tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên trung, hy sinh trọn đời vì dân, vì nước.

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Hà Huy Tập chịu sự dạy dỗ của cha. Ngoài căn bản Nho học được học từ người cha, Hà Huy Tập theo học bậc tiểu học và đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trường tiểu học ở tổng Thổ Ngọa nhưng do gia cảnh khó khăn nên không được học tiếp. Năm 1917, nhờ có người giúp đỡ, Hà Huy Tập được ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học Trường tiểu học Pháp - Việt. Năm 1919, Hà Huy Tập đỗ thủ khoa kỳ thi chọn học sinh xuất sắc do nhà trường tổ chức, được cấp học bổng, rồi vào học tại Trường Quốc học Huế. Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp Trường Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu - bằng Thành chung, nhưng vì gia đình nghèo không đủ điều kiện để học tiếp ở bậc cao hơn nên ông đã về làm giáo viên tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Trong thời gian này, ông đã tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu, hiểu thêm về tội ác của thực dân Pháp, thấy được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới xích xiềng của bọn thực dân, phong kiến và luôn trăn trở phải làm sao đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương. Chính sự trăn trở đó đã thúc giục người thanh niên yêu nước Hà Huy Tập bước vào cuộc đấu tranh cách mạng với cả bầu nhiệt huyết, dũng cảm, sáng tạo vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.

Cuối năm 1925, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt. Ông là một trong những người xả thân cho hoạt động của Hội. Được Hội giao nhiệm vụ, ông đã gửi tới Toàn quyền Đông Dương yêu cầu xóa án cho nhà cách mạng Phan Bội Châu. Tháng 3-1926, nhà yêu nước nổi tiếng Phan Chu Trinh qua đời, Hội đã huy động hàng ngàn nhân dân lao động ở Vinh, Nghệ An đến chùa Diệc dự lễ truy điệu cụ. Bất chấp sự đe dọa của bọn quan lại và cảnh sát, Hà Huy Tập vẫn đứng lên diễn thuyết ca ngợi tinh thần yêu nước thương dân của nhà yêu nước Phan Chu Trinh và kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh.

Tháng 8-1926, Hà Huy Tập chuyển về dạy học tại Trường Cao Xuân Dục ở Vinh, Nghệ An. Trong thời gian ở Vinh, Hà Huy Tập ngoài việc dạy học còn đến các xóm thợ, các làng quanh Vinh để tìm hiểu tình hình và xây dựng cơ sở Hội Phục Việt. Hà Huy Tập tích cực tuyên truyền tư tưởng chống chuyên chế và chống thực dân Pháp trong học sinh và tầng lớp lao động. Với những hoạt động tích cực cụ thể đó, Hà Huy Tập đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nghệ An và Hà Tĩnh phát triển. Biết được các hoạt động của Hà Huy Tập, Công sứ Vinh lệnh cho Đốc học Vinh cách chức giáo viên đối với Hà Huy Tập. Trước tình hình đó, lãnh đạo Hội Phục Việt giao nhiệm vụ cho ông vào hoạt động ở Sài Gòn. Tháng 3-1927, Hà Huy Tập rời Vinh vào Sài Gòn. Ở đây, ông xin vào dạy học tại trường tiểu học tư thục mang tên An Nam học đường ở Gia Định. Hà Huy Tập đã tổ chức thành công nhiều cuộc bãi khóa của học sinh, chống lại chế độ giáo dục thực dân của nhà trường. Ông biết trước sau kẻ địch cũng dò ra tung tích của mình nên ông luôn cảnh giác, liên tục thay đổi chỗ ở. Chính vì vậy mà ông đã trụ được ở Sài Gòn một thời gian.

Tháng 1-1928, Hội Hưng Nam (tên mới của Hội Phục Việt) tổ chức hội nghị toàn quốc tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Huy Tập đến dự hội nghị này với tư cách Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ. Hội nghị bàn về việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau hội nghị, Hà Huy Tập trở lại Sài Gòn và hoạt động ngày càng tích cực. Những hoạt động của ông bị nhà chức trách theo dõi. Tháng 6-1928, Hiệu trưởng An Nam học đường đã quyết định đình chỉ việc giảng dạy của Hà Huy Tập với lý do kích động học sinh nhiều lần bãi khóa. Sau khi không còn dạy học ở An Nam học đường, Hà Huy Tập xin vào làm việc ở một hiệu buôn. Đến tháng 8-1928, Hà Huy Tập rời hiệu buôn đến Bà Rịa xin vào làm việc ở đồn điền trồng mía Phú Mỹ. Trong thời gian này, Hà Huy Tập đã vận động thành lập được chi bộ đảng trong công nhân do ông làm Bí thư.

Cuối tháng 12-1928, đồng chí Hà Huy Tập cùng với một số đồng chí khác được cử đến Quảng Châu (Trung Quốc) để bàn việc hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 7-1929, đồng chí Hà Huy Tập được cử sang Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô cũ). Tháng 5-1932, đồng chí Hà Huy Tập tốt nghiệp khóa học và rời Liên Xô qua Pháp để trở về Việt Nam. Trên đường về, đồng chí bị Pháp bắt và trục xuất sang Bỉ vào tháng 6-1932. Từ đây, đồng chí trở lại Liên Xô. Trong thời gian ở lại Liên Xô, đồng chí Hà Huy Tập tìm gặp những người làm việc trong Quốc tế Cộng sản để bày tỏ nguyện vọng của mình muốn được trở về Việt Nam. Tháng  4-1933, đồng chí Hà Huy Tập đã về đến Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí được Quốc tế Cộng sản chỉ định tham gia Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong làm Thư ký. Từ ngày 16 đến ngày 21-6-1934, Hội nghị Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức đảng ở trong nước được tổ chức. Đồng chí Hà Huy Tập đã tham dự hội nghị này.

Tháng 3-1935, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí Hà Huy Tập là người chủ công xây dựng các văn kiện và là một trong những người chủ trì Đại hội Đảng. Tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử làm Thư ký Ban Chỉ huy Hải ngoại. Ngày 26-7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập triệu tập tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị nhận định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa phát xít, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi bao gồm các đảng phái, các giai cấp, các đoàn thể chính trị, các dân tộc ở Đông Dương để đấu tranh giải phóng Đông Dương thoát khỏi ách đế quốc và phong kiến. Tại hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng.

Sau hội nghị Trung ương, đồng chí Hà Huy Tập trở về nước để tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương, khôi phục tổ chức của Đảng và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân ta và quyết định chuyển cơ quan của Trung ương Đảng từ Trung Quốc bí mật về Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Quyết định này có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phong trào cách mạng. Tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí Hà Huy Tập với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đã liên tục chủ trì ba hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, đó là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 3-1937, thống nhất các tổ chức đảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, xác định những chủ trương mới thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 9-1937 thông qua một số quyết định quan trọng về việc thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, phát triển cơ sở đảng trong các thành thị và đồn điền, kết hợp các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai… Nhờ vậy, chỉ trong một năm, Đảng ta từ chỗ bị địch khủng bố trắng đã thành lập lại Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương. Trước tình hình chiến tranh thế giới đang đe dọa, ngày 29 và 30-3-1938, Hội nghị Trung ương Đảng được triệu tập tại Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn để phân tích thái độ của các đảng phái, các tổ chức chính trị ở Đông Dương, công tác quần chúng, công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng, quyết định đổi Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư thay cho đồng chí Hà Huy Tập.

Ngày 1-5-1938, trong khi đang đi công tác, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt, sau đưa về giam tại Sài Gòn và Nghệ An. Ngày 28-8-1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Hà Huy Tập tại Hóc Môn cùng với các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai,…

Đồng chí Hà Huy Tập là một nhà lý luận chính trị sắc sảo, viết nhiều tác phẩm đăng trên báo chí phê phán các quan điểm phản động, vạch trần tội ác của kẻ thù, tuyên truyền và bảo vệ quan điểm của Đảng.

Từ một thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản, từ một người cộng sản trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang. Đồng chí đã anh dũng hy sinh trước mũi súng tàn bạo của kẻ thù ở tuổi 35 khi còn rất trẻ. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta. Đồng chí là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.                                               

T.H

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>