“Thủ lĩnh thanh niên” giỏi làm kinh tế

12/04/2016 | 06:56 GMT+7

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp gặp anh Trần Thanh Hùng (sinh năm 1984), ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành - một trong hai gương thanh niên nông thôn tiêu biểu của tỉnh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của năm 2015.

Anh Trần Thanh Hùng bên đàn cá kiểng của mình.

Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cho những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; có đóng góp tích cực vào hoạt động đoàn, hội ở địa phương và đơn vị.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thủy sản Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ năm 2009, anh Hùng xin được việc làm tại một trang trại sản xuất giống cá ở thành phố Cần Thơ. Với quyết tâm làm giàu và đam mê nuôi cá, năm 2011, anh xin thôi việc để về quê lập nghiệp. Ban đầu, anh Hùng cùng với người bạn đầu tư hơn 170 triệu đồng vốn tự có và vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để khởi nghiệp. Trên diện tích hơn 1.000m2 đất ao, anh quyết định cải tạo để xây dựng hệ thống bể nuôi cá kiểng. Nói về những khó khăn ban đầu, anh Hùng tâm sự: “Những ngày đầu chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi cá kiểng nên đàn cá thường bệnh và hao hụt, nhưng với quyết tâm, ý chí làm giàu nên tôi không bỏ cuộc và dần đạt được một số kết quả nhất định”.

Để khắc phục những khó khăn trong quá trình sản xuất, công sức mà anh phải bỏ ra không hề nhỏ. Bởi mỗi loại cá khác nhau, ở từng giai đoạn sinh trưởng phải có chế độ chăm sóc phù hợp, đặc biệt là việc theo dõi tình trạng sức khỏe, bệnh tật của cá. Sau một thời gian, mọi việc dần dễ hơn nên anh quyết định mở rộng diện tích ao và nuôi cá thát lát cườm để ương cá giống kiếm thêm thu nhập.

Hiện nay, anh Hùng có 4 ao, 25 bể nuôi cá với tổng diện tích trên 5.000m2. Đàn cá kiểng của anh hiện có khoảng 20.000 con với nhiều giống khác nhau và 2.500 con cá thát lát cườm bố mẹ, một phần nhỏ là cá chạch lấu và trê vàng. Hầu hết được anh xuất bán khắp các tỉnh thành, nhiều nhất là ở Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long, tạo lợi nhuận cho gia đình anh gần 200 triệu đồng/năm. Về dự định sắp tới, anh Hùng sẽ mở rộng diện tích ao nuôi, đặc biệt là nuôi thêm cá chạch lấu để bán thịt và thay mới con giống có chất lượng cao hơn.

Không chỉ chú tâm vào phát triển kinh tế, anh Trần Thanh Hùng còn là Bí thư Chi đoàn ấp tiêu biểu, tích cực tham gia phong trào do đoàn cấp trên phát động. Ngoài ra, bằng kinh nghiệm của mình, anh Hùng luôn sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật xây bể, nuôi con giống để những đoàn viên thanh niên khác có điều kiện làm ăn. Anh Đỗ Toàn Dư, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, cho biết: “Gia đình tôi hiện chăn nuôi heo, gà; thấy mô hình của anh Hùng tương đối lạ và cho thu nhập cao nên tôi quyết định nhờ anh tư vấn và hướng dẫn nuôi cá kiểng. Sau khi được anh phân tích kỹ lưỡng từng loại cá, tôi quyết định nuôi thử giống cá beo”.

“Hiện tại, mô hình kinh tế của anh Hùng làm ăn rất hiệu quả và được Ban Thường vụ Huyện đoàn Châu Thành chọn là một trong những mô hình phát triển kinh tế thanh niên tiêu biểu ở địa phương”, Phó Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành Phạm Hoàng Tấn đánh giá.

Với những thành công trong mô hình nuôi cá kiểng sẽ là động lực cho anh Trần Thanh Hùng cũng như những thanh niên khác phát huy sức trẻ, tiếp tục lao động, sáng tạo để làm giàu cho gia đình và quê hương.

Bài, ảnh: QUANG LÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>