Bùng phát bệnh rỉ sắt trên mía

08/04/2016 | 06:28 GMT+7

Hiện nay, nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đứng ngồi không yên trước dịch bệnh rỉ sắt tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng nhưng chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả.

Nông dân huyện Phụng Hiệp đang lo lắng về sự bùng phát của bệnh rỉ sắt trên cây mía.

Những ngày này, không khí lo lắng đang bao trùm lên các cánh đồng mía trong giai đoạn vươn lóng (4-5 tháng tuổi) của nông dân ở huyện Phụng Hiệp, nơi có diện tích xuống giống mía lớn nhất tỉnh, khoảng 7.800ha. Bước ra từ rẫy mía, nông dân Phan Thanh Vân, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, lo lắng: “Bệnh lây lan với tốc độ nhanh, mới phát hiện vài đốm nâu trên lá ở một số hộc trong rẫy mía nhưng có mấy ngày thì bệnh đã xuất hiện toàn bộ diện tích mía của gia đình, với tỷ lệ thiệt hại từ 50-60%. Từ một vài diện tích ban đầu, hiện khoảng 300ha mía (giống ROC 16) ở ấp này đã bị bệnh rỉ sắt tấn công”.

Khoảng 10 ngày qua, vợ chồng ông Vân luôn đứng ngồi không yên, bởi hầu hết 2 công mía của gia đình đều bị nhiễm bệnh rỉ sắt, lá mía ngày một vàng và khô hơn. Mặc dù ông đã chạy hỏi nhiều người xung quanh xem có biện pháp gì để ngăn bệnh, nhưng tất cả đều lắc đầu vì đã thử phun nhiều loại thuốc điều trị nhưng không có tiến triển.

Ông Hàn Thanh Xuyên, ở cùng xóm ông Vân, bộc bạch: “Tôi trồng mía hơn 10 năm nay, đây là lần đầu tiên mía bị bệnh rỉ sắt tấn công. Khi phát hiện bệnh, tôi đã lấy mẫu lá mía đem ra cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật để nhờ họ xem và đưa thuốc về phun xịt. Thế nhưng, đã phun thuốc rồi mà thấy không có kết quả gì. Gia đình đang mướn nhân công đánh lá rồi tiếp tục phun thuốc lần hai. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều bà con nơi đây mong muốn nhà máy đường hay cán bộ ngành nông nghiệp địa phương đến đây hướng dẫn cho bà con cách điều trị hiệu quả, chứ tình hình thế này thì không ổn”.

Hiện nay, không riêng gì bà con ở ấp Thống Nhất, mà hầu hết các rẫy mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy đều bị bệnh rỉ sắt tấn công với tỷ lệ ít hay nhiều. Trong đó, bệnh đa phần xuất hiện trên giống mía ROC 16 và một phần giống ROC 11, chưa ghi nhận bệnh rỉ sắt trên các giống mía thuộc nhóm K. Theo ngành chức năng, bệnh rỉ sắt là một trong những bệnh rất ít xuất hiện trong những năm gần đây, nhưng năm nay lại xuất hiện với diện tích nhiễm bệnh khá lớn. Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do nắng nóng kéo dài, cây mía thiếu nước nên phát sinh bệnh, thời tiết càng nắng nóng thì bệnh càng lây lan ngày một nhiều hơn. Qua quan sát của chúng tôi tại những rẫy mía bị bệnh rỉ sắt tấn công, hiện cây mía phát triển chậm, thân nhỏ lại, những cây bị nặng thì lá mía cháy vàng, đuôi lá bị khô lại. Nếu tình trạng này kéo dài và không có biện pháp điều trị hiệu quả, thì các lá mía còn lại tiếp tục bị khô, thân mía sẽ chết, từ đó làm giảm năng suất khi thu hoạch.

Ông Huỳnh Văn Măng, Giám đốc Bộ phận khuyến nông Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết: Sau khi bệnh rỉ sắt xuất hiện trên các vùng mía nguyên liệu của công ty, Bộ phận khuyến nông của Casuco đã tiến hành khảo sát thực tế và hướng dẫn bà con một số nơi phòng trị loại dịch hại này. Theo đó, những diện tích đã bị nhiễm bệnh rỉ sắt thì bà con cần khẩn trương mua các loại thuốc đặc trị bệnh rỉ sắt, trong đó chú ý đến dòng điều trị nấm rộng để phun xịt đạt hiệu quả. Casuco khuyến cáo hai sản phẩm bà con có thể xem xét sử dụng là thuốc Anvil 5SC và Tilt Super 300 EC. Sau khi phun thuốc 5-7 ngày thì xem tình hình dịch bệnh, nếu thấy lá khô và không lây lan thì ngưng phun thuốc, trường hợp bệnh nặng thì phun tiếp lần hai. Sau đó, theo dõi khi lá non ra thì tiến hành phun ngừa nhằm hạn chế bệnh quay trở lại. Ngoài xịt thuốc, bà con cần bón phân cân đối, trong đó, hạn chế sử dụng phân đạm và lân, tăng cường bón kali; thường xuyên vệ sinh rẫy mía, đánh lá thông thoáng, tưới nước cho mía, tránh để mía bị khô làm dịch bệnh bùng phát nhanh… Về giải pháp lâu dài, nông dân cần chú ý sử dụng các giống mía khỏe, không bị nhiễm bệnh. Một tín hiệu đáng mừng là 8 giống mía Casuco đang trồng khảo nghiệm trong niên vụ này hiện chưa ghi nhận bị các loại dịch hại tấn công, hiện đơn vị đang tiếp tục theo dõi để xem xét nhân rộng trong vụ mía tới.

Hiện toàn tỉnh ghi nhận có hơn 1.252ha mía bị nhiễm các loại dịch hại, tăng gần 1.000ha so với thời điểm cuối tháng 3. Trong đó, phổ biến là bệnh rỉ sắt gây hại trên giống mía ROC 16 và tập trung tại vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp.

 

Bài, ảnh: TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>