Nhu cầu đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông

04/04/2016 | 06:17 GMT+7

Đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh đã kết nối lưu thông liên hoàn từ nông thôn đến thành thị. Song, nhu cầu đầu tư xây dựng hoàn thiện theo quy hoạch đề ra vẫn còn cao.

Mặt đường Phương Bình - Cây Dương trên tuyến Đường tỉnh 927 rộng chỉ 3,5m.

Trên địa bàn Hậu Giang hiện có 15 tuyến đường tỉnh, với tổng chiều dài khoảng 365km được xây dựng khá đồng bộ nên cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại an toàn, thuận tiện cho người dân.

Chỉ mới đạt chuẩn cấp V đồng bằng

Hệ thống đường tỉnh tuy đã kết nối lưu thông liên hoàn với mạng lưới đường huyện, tuy nhiên, theo đánh giá của không ít địa phương thì hầu hết các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn quản lý còn chưa đồng bộ, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cấp, mở rộng trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết sau khi chia tách địa giới hành chính, điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông nói chung của huyện còn nhiều hạn chế. Lúc này, Long Mỹ chỉ có tuyến đường độc đạo dẫn về trung tâm là Đường tỉnh 930, nhưng lại trong quá trình đầu tư xây dựng nên hết sức chật hẹp.

Do đó, huyện Long Mỹ đã kiến nghị trong năm 2016, các ngành chức năng của tỉnh quan tâm bố trí vốn đảm bảo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công Đường tỉnh 930 để góp phần giảm bớt khó khăn cho địa phương. Tương tự, ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho hay một số tuyến giao thông chiến lược trên địa bàn huyện vẫn chưa đồng bộ, như Đường tỉnh 927. Vì thế, đề nghị ngành giao thông vận tải (GTVT) sớm triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhất là đoạn Phương Bình - Cây Dương, dài khoảng 10km. Bởi mặt đường hiện hữu chỉ rộng 3,5m nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lưu thông của người dân.

 Tại buổi làm việc với ngành GTVT mới đây, trong đó có việc giải quyết những bất cập về việc tháo dỡ biển báo hạn chế tốc độ 40km/giờ theo quy định hiện hành của Bộ GTVT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn đánh giá: Tất cả đường tỉnh trên địa bàn Hậu Giang chỉ mới đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng. Hầu như chưa có tuyến nào đạt tiêu chuẩn cấp IV. Thực tế là những năm qua, trong điều kiện khó khăn, chúng ta chủ yếu tranh thủ nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường tỉnh đạt theo quy hoạch giai đoạn đầu. Từ đó, mặt đường rộng chỉ có 5,5m, đảm bảo cho hai làn xe chạy.

Còn nhiều công trình giao thông bức xúc

Ngoài hệ thống đường tỉnh chưa đảm bảo theo quy hoạch, tiêu chuẩn đề ra, bao gồm các dự án đã và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng như Đường tỉnh 930; 931, đoạn từ cầu Xẻo Vẹt đến Quốc lộ 61C (Vị Thanh - Cần Thơ) thì trên địa bàn Hậu Giang còn nhiều dự án giao thông bức xúc cần sớm được triển khai xây dựng hoàn thiện. Chẳng hạn như dự án Đường tỉnh 927, đoạn từ thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp) đến ngã ba Vĩnh Tường (thị xã Long Mỹ) tuy đã được phê duyệt cách đây nhiều năm nhưng vẫn còn nằm trên giấy, gây bức xúc cho người dân. Đơn giản là vì chưa được Trung ương bố trí kinh phí thực hiện.

Chưa kể là đến nay, có đến 3 xã thuộc các huyện Long Mỹ và Châu Thành chưa có đường ôtô về trung tâm. Đó là xã Vĩnh Viễn A, Phú Hữu và Phú Tân. Trên cơ sở đó, ngành GTVT kiến nghị UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành liên quan xem xét sớm xây dựng Đường tỉnh 927 (thuộc danh mục công trình ứng phó với biển đổi khí hậu) để ổn định sản xuất cho người dân, cũng như đường ôtô 3 xã kể trên nhằm đảm bảo mục tiêu đến 2020, Hậu Giang đạt 100% số xã có đường ôtô về đến trung tâm, giải quyết tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa thông suốt cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ghi nhận những ý kiến đề xuất của ngành GTVT, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới, đơn vị cần tích cực tham mưu, đề xuất kế hoạch đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt là các công trình giao thông bức xúc nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa được an toàn, thông suốt hơn cho nhân dân. Mặt khác, quan tâm công tác quản lý chất lượng công trình giao thông, quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành GTVT Hậu Giang phù hợp, đảm bảo yêu cầu kết nối và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Trong điều kiện nguồn vốn khó khăn như hiện nay nên tới đây các đơn vị liên quan của tỉnh, cùng các địa phương buộc phải tranh thủ tối đa các nguồn lực, hình thức thực hiện, kể cả xây dựng kế hoạch phân kỳ đầu tư hợp lý để từng bước hiện thực hóa mục tiêu hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, đảm bảo kết nối liên hoàn.

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>