Gieo trồng thích ứng biến đổi khí hậu

31/03/2016 | 08:36 GMT+7

Để giúp nông dân tìm ra mô hình thích ứng tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện dự án “Gieo trồng đa dạng - thu hoạch an toàn”, giai đoạn 2015-2018. Ngay vụ đầu thực hiện, dự án đã nhận được sự hưởng ứng của nông dân.

Chị Tống Thị Liêm, phấn khởi với “vườn rau gia đình” được dự án hướng dẫn chăm sóc theo quy trình an toàn thực phẩm.

Tại Hậu Giang, dự án phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục BVTV tỉnh thực  hiện thí điểm ở huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh. Năm đầu, nông dân được ngành chuyên môn hướng dẫn thí điểm nuôi trồng đa dạng để mỗi kiểu thời tiết khác đều có thể chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hậu Giang, cho biết: Đa dạng giúp cho người dân thích ứng với mọi điều kiện khí hậu. Như hạn mặn đầu vụ thì trồng cây ngắn ngày, trồng cây sử dụng ít nước hơn. Hoặc là biến đổi khí hậu cuối vụ nước nhiều không trồng lúa được thì có những mô hình nuôi thủy sản nông dân vẫn thích ứng được.

Để thích ứng thời tiết khô hạn, nông dân tham gia dự án được thực nghiệm trồng cây chịu hạn như mè, đậu xanh, bắp ăn. Theo anh Nguyễn Thành Dũng, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A và  một số nông dân tham gia dự án, năm nay nắng gay gắt, lúa Đông xuân giảm năng suất thì những cây màu vẫn trúng, nhất là bắp ăn dễ trồng, dễ thu hoạch và tiêu thụ.

Trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nông dân được hướng dẫn cách lai tạo lúa giống; phân ô gieo trồng khoảng 10 giống lúa trên cùng mảnh ruộng, nhất là không sử dụng thuốc BVTV để đánh giá khả năng chống chịu, thích ứng của từng giống lúa, qua đó nông dân  lựa chọn giống tối ưu. Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Trong thí nghiệm đã triển khai khoảng 10 giống lúa, trong đó có 2 giống lúa chịu mặn rất tốt là giống lúa TC7 và ND4. 2 giống lúa này do nông dân chọn tạo và đang được khảo nghiệm quốc gia. Giống lúa này được kiểm chứng qua thực tế nhiều nơi trong điều kiện canh tác lúa - tôm đạt năng suất tốt. Hy vọng rằng trong điều kiện biến đổi khí hậu, ở huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh thì những giống lúa này có thể canh tác trong điều kiện nước mặn xâm nhập.

Để thích ứng với ngập lụt cuối vụ, dự án hướng dẫn nông dân thực nghiệm mô hình nuôi cá. Bên cạnh đó, còn được hướng dẫn thiết kế vườn rau gia đình theo hướng an toàn thực phẩm. Anh Trần Văn Út, ở  xã Nhơn Nghĩa A tham gia dự án, bộc bạch: “Từ ngày học mô hình đa dạng tới giờ tôi tận dụng được cái sân để trồng các loại rau. Qua thu hoạch 1 đợt bán ra cũng được trên 500.000 đồng mà còn có rau sạch sử dụng hàng ngày”.

Chị Tống Thị Liêm, ở xã Nhơn Nghĩa A, tâm sự: “Hồi đó tới giờ không có trồng rau, nhưng được tham gia dự án gieo trồng đa dạng, được nhà khoa học hướng dẫn trồng rau an toàn thấy cũng dễ làm. Bà con biết tôi trồng rau an toàn, người nào cũng hỏi mua. Không xịt thuốc sâu, ít tưới phân, người ta thích lắm. Một số người cũng bắt chước trồng theo”.

 Theo ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hậu Giang, biến đổi khí hậu không còn là chuyện đâu xa, mà diễn biến gay gắt ngay vụ Đông xuân này. Thời gian tới, hạn, mặn còn diễn biến phức tạp, Hậu Giang sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình gieo trồng đa dạng ra các huyện, thị khác để nông dân có điều kiện lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt.

Bài, ảnh: KIM VIẾNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>